Xuất khẩu thép Việt Nam: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Xuất khẩu thép Việt Nam: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ biến động giá nguyên liệu và rủi ro phòng vệ thương mại, nhưng xuất khẩu thép của Việt Nam trong quý đầu năm 2022 vẫn có bước tăng trưởng đáng kể.

Theo báo cáo mới đây từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý 1.2022, sản lượng thép thành phẩm cả nước đạt 8,46 triệu tấn, tiêu thụ đạt 8,14 triệu tấn, tăng lần lượt 3,2% và 11,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,28 triệu tấn thép, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỉ USD, tăng 12,53%, tập trung vào thị trường ASEAN, EU, Mỹ, Hàn Quốc.

Động lực từ thị trường thép toàn cầu

Trong năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở rộng dưới tác động từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Với việc nguồn cung bị gián đoạn, chênh lệch giá thép tại châu Âu, dự báo tình hình xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm nay sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng tươi sáng.

Quý 1.2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép, giá trị đạt 2,3 tỉ USD

Được biết, Nga hiện đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU, với tỷ trọng 14,1% thép dẹt và 19% thép dài, Ukraine chiếm 8% thép dẹt và 7,4% thép dài. Việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường châu Âu và Mỹ.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần ở châu Âu trong năm 2022 khi các đối thủ cạnh tranh chính phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chi phí sản xuất và chính sách thương mại.

Cụ thể, ước tính chi phí sản xuất thép ở châu Âu có thể cao hơn từ 150-170 USD/tấn so với tại Việt Nam, chủ yếu do chênh lệch giá điện và giá carbon. Hiện tại, giá carbon ở châu Âu khoảng 75 USD/tấn, khiến chi phí sản xuất thép bằng lò cao tại khu vực này cao hơn 140 USD/tấn so với ở Việt Nam.

Trong khi đó, các thị trường như Hàn Quốc và Ấn Độ đang gặp khó khăn liên quan đến chính sách thương mại khi bị áp mức hạn ngạch, cụ thể lần lượt chỉ 170.000 tấn/năm và 210.000 tấn/năm.

Mặt khác, giá thép cuộn cán nóng (HRC) của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá từ 4,7-7,3% kể từ tháng 4, do đó làm suy yếu khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, lượng xuất khẩu sắt thép của Trung Quốc đã giảm mạnh khi nước này chủ trương giảm lượng phát thải carbon.

Trong năm nay, với việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, đây sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, để nắm bắt lợi thế trong xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành thép đang dần chủ động về sản xuất, cũng như gia tăng giá trị sản phẩm nằm trong hệ sinh thái sản xuất thép.

Còn nhiều thách thức

Hiện nay, ngành thép đang phải đối diện với nhiều thách thức như vấn đề dư cung, phòng vệ thương mại gia tăng, áp lực về biến động giá nguyên liệu và các chính sách về thuế.

Hiện các mặt hàng nguyên liệu như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu như than mỡ, coke, điện cực dùng trong sản xuất thép hầu hết phải nhập khẩu. Do đó, thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn từ thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, các sản phẩm thép của Việt Nam hiện đang là một trong những mặt hàng bị các nước trên thế giới khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép đều xác định đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để không ngừng đổi mới công nghệ, giảm chi phí và giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hậu Covid-19.

Trong đó, việc nâng cao chất lượng thép Việt Nam tiệm cận với thế giới đang là một trong những cách giúp ngành thép phát triển bền vững trong tương lai, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp thép trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Ông lớn vươn tầm khu vực

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp thép đã chủ động vươn tầm khu vực, đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.

Các sản phẩm thép của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới

Theo VSA, nhu cầu thị trường tăng mạnh giúp xuất khẩu sắt thép trong nước gặp nhiều thuận lợi. Các nhà sản xuất thép lớn trong nước như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen hay Nam Kim đều đạt con số xuất khẩu ấn tượng.

Thực tế này được phản ánh trong báo cáo của VSA khi xuất khẩu thép đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Trong năm 2021, Việt Nam vẫn xuất khẩu được hơn 14 triệu tấn thép, thu về hơn 12,7 tỉ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Các sản phẩm thép của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới. Điều này đã giúp ngành thép Việt Nam lần đầu vượt mốc kỷ lục về xuất khẩu và gia nhập nhóm các nước xuất khẩu thép đạt kim ngạch hơn 10 tỉ USD. Riêng Tập đoàn Hòa Phát đã thu về hơn 49.000 tỉ đồng doanh thu từ xuất khẩu sắt thép, tương đương hơn 2,13 tỉ USD, chiếm 33% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.

Năm 2021, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh đóng góp một phần quan trọng trong tổng sản lượng của Hoà Phát. Bước sang năm 2022, sản lượng tiêu thu thép liên tục đạt kỷ lục cùng với giá thép tăng mạnh từ đầu năm đã giúp doanh thu trong quý 1 của Hòa Phát tăng tới 41% so với cùng kỳ, đạt 44.000 tỉ đồng.

Để ổn định sản xuất và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, Tập đoàn Hòa Phát đã mua mỏ quặng sắt Roper Valley ở Australia với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, cho công suất khai thác khoảng 4 triệu tấn/năm. Trong các năm tới, Hòa Phát sẽ mua thêm mỏ than và mỏ sắt ở Úc nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn mua 3 tàu tải trọng lớn trong đó hai chiếc tàu biển chở hàng rời cỡ lớn là The Evolution và The Harmony với trọng tải 90.000 tấn, tàu The Prosperity tải trọng hơn 80.000 tấn để chủ động nhu cầu vận chuyển nguyên liệu than, quặng cho tập đoàn. Theo đó, Hòa Phát đã giảm được đáng kể chi phí logistic nhờ chủ động được đội tàu.

Tương tự, một ông lớn ngành thép khác đó là Nam Kim cũng ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động xuất khẩu.

Trong năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại khu vực phía nam, doanh nghiệp tôn mạ này đã đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp tiêu thụ nội địa giảm. Theo đó, sản lượng tiêu thụ nội địa tôn mạ trong năm 2021 của Nam Kim giảm 13% nhưng xuất khẩu lại tăng tới 108%.

Thép Nam Kim dự báo năm 2022, giá thép dự kiến vẫn giữ ở mức cao, vùng 840-850 USD/tấn, giá than đá, giá than cốc đều tăng và giá quặng sắt vẫn giữ ở mức 150 USD/tấn. Do đó, công ty đặt kế hoạch tỉ trọng xuất khẩu trong năm nay từ 55-60%.

Để đảm bảo được sản lượng cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, Công ty Thép Nam Kin đã thông qua kế hoạch đầu tư thêm nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn 4.500 tỉ đồng.

Hiện Nam Kim đang có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép. Nếu hoàn thành thêm nhà máy mới, công suất toàn hệ thống sẽ đạt 2,2 triệu tấn/năm.

Năm ngoái, doanh thu từ mảng xuất khẩu chiếm 55% tổng doanh thu của Tôn Đông Á. Nhờ giá bán thị trường xuất khẩu tốt, doanh thu thuần trong năm 2021 của Tôn Đông Á đạt 25.262 tỉ đồng và lãi sau thuế 1.210 tỉ đồng, tăng lần lượt 104% và 323% so với năm trước. Kết quả khởi sắc này có được là do công ty đẩy mạnh kênh bán hàng xuất khẩu.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ như Tôn Nam Kim, Tôn Hoa Sen và Tôn Đông Á sẽ được hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu trong năm 2022.

Hiện mảng tôn mạ đang dư khoảng 30% tổng công suất, nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thép cán nguội (CRC) và tôn mạ màu trên thế giới rất lớn khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ việc xuất khẩu mặt hàng này.

 

Nguồn: CafeLand