TPHCM khởi động xây 3 cây cầu huyết mạch hơn 18.000 tỉ đồng

TPHCM khởi động xây 3 cây cầu huyết mạch hơn 18.000 tỉ đồng

Cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng được lên kế hoạch khởi công năm 2025 giúp tăng kết nối, tháo điểm nghẽn hạ tầng nhiều khu vực ở TPHCM.

du-an-cau-tphcm
Phối cảng cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Dự án cầu Cần Giờ có tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Mới đây, Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM cân đối vốn khoảng 5.246 tỉ đồng để tham gia đầu tư dự án (tương đương gần 50% tổng mức đầu tư), còn lại do nhà đầu tư huy động.

Theo đề xuất của Sở GTVT, điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc. Sau đó cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam.

Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3km (trong đó cầu Cần Giờ dài gần 3km, phần đường dẫn dài hơn 4,3km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/h.

Cầu được xây dựng theo dạng dây văng với độ dài nhịp chính của cầu giữa lòng sông là 350m, đặt trên hai trụ cầu cao 150m. Cầu Cần Giờ sẽ có tĩnh không thông thuyền 55m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành) – cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

Phối cảnh cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Dự án sẽ trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư năm 2024, khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Khi đó, cầu Cần Giờ sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối TP Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất TPHCM.

Đồng thời, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TPHCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển 2 dự án ở Cần Giờ là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BOT. Dự án này cũng vừa được Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM cân đối vốn khoảng 2.826 tỉ đồng tham gia đầu tư (tương đương khoảng 50% tổng mức đầu tư).

Theo đề xuất tổng chiều dài cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 2,16km (trong đó phần cầu dài hơn 1,6km) với 6 làn xe. Cầu có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m. Thiết kế cầu dạng này được Sở GTVT nhận định chưa từng có tại Việt Nam, giúp tàu lớn dễ dàng chạy trên sông Sài Gòn vào trung tâm TPHCM

cau-thu-thiem-4
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ nhịp cho tàu thuyền lớn đi qua. Ảnh: PORTCOAST

Công trình có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và đường Bùi Thiện Ngộ.

Dự án sẽ trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay, khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

Khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 4 ngoài thúc đẩy Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển còn rút ngắn thời gian đi từ TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh qua các quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh. Dự án cũng giúp giảm ùn tắc xung quanh các cảng Bến Nghé, Khu chế xuất Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát tại Quận 7.

Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn

Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nối Quận 1 và TP Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.

Cầu dài 500m, nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Đầu cầu phía Quận 1 nằm trong khu vực Công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía TP Thủ Đức bố trí tại Công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía nam Quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình lá dừa nước. Ảnh: Liên danh tư vấn

Theo phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được UBND TPHCM lựa chọn, cầu sẽ có hình tượng lá dừa nước – hình ảnh quen thuộc của miền Nam.

Công trình được thiết kế chống động đất cấp 7, gió giật, dao động khi tập trung đông người… Ngoài phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật. Cầu cũng được thiết kế cho xe cứu thương trong những trường hợp khẩn cấp.

Đầu tháng 12.2023, Sở GTVT TPHCM đã ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ dự án. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà thành phố đã phê duyệt.

Sở GTVT cho biết đang hoàn thiện các bước trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. TPHCM đặt mục tiêu khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30.4.2025 để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo báo Lao động