Cầu đi bộ và cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn với kiến trúc độc đáo sẽ lần lượt tô điểm vào vẻ đẹp đôi bờ dòng sông Sài Gòn vốn gắn liền với sự phát triển của TP.HCM.
Cầu hình thành không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn tạo nhiều giá trị về mỹ quan, du lịch, gắn với đời sống của người dân.
Đặc biệt trong ngày 4-12, cầu đi bộ đã được ký thỏa thuận tài trợ và cầu Thủ Thiêm 4 được trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thiết kế độc đáo
9h sáng 4-12, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm và ông Trần Bảo Minh, phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, đã ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.
Công trình này có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, có ý nghĩa cộng đồng cao, khu vực xây dựng cầu gắn với nhiều di tích lịch sử – văn hóa của TP.HCM.
Chia sẻ về hành trình tiếp nhận ý tưởng, ông Trần Quang Lâm cho biết cầu đi bộ đã có trong quy hoạch và TP đã tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, công bố kết quả đoạt giải là hình tượng lá dừa nước vào tháng 10-2023.
Vào tháng 8-2023, sở tiếp nhận đề xuất của Nutifood về tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Đây là thông tin rất vui và phù hợp về tiến trình lập quy hoạch, chỉnh trang khu vực trung tâm mà TP triển khai. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiếp nhận tài trợ một công trình có quy mô, giá trị lớn nhất cả nước.
“Tuy là cầu đi bộ nhưng thiết kế, quy mô rất đặc biệt, khác với các công trình đi bộ thông thường.
Sau khi tiếp nhận đề xuất từ nhà tài trợ, Sở Giao thông vận tải TP đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, thống nhất về các bước, đề xuất TP tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Sau khi ký kết thỏa thuận tài trợ, trong vòng bảy ngày Nutifood sẽ trình các bước cụ thể. Trong hai tháng, chủ đầu tư sẽ trình chủ trương đầu tư. Chậm nhất công trình sẽ khởi công đầu năm 2025″, ông Lâm cho hay.
Như vậy, với việc ký kết thỏa thuận làm cơ sở triển khai xây dựng, chỉ ít năm tới đây người dân TP sẽ có một điểm check-in mới, hứa hẹn thu hút du khách tới tham quan.
Là công trình rất quan trọng, vì thế cách đây bốn năm, TP đã tổ chức thi tuyển quốc tế về phương án kiến trúc cây cầu đi bộ.
Đến tháng 10-2023, phương án kiến trúc cầu đi bộ hình tượng lá dừa nước do liên danh Chodai – Takashi Niwa Architects và Choda Kisojiban Việt Nam thực hiện đã được TP tuyển chọn.
Thiết kế cầu có hình chiếc lá dừa nước – một loại lá rất đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Cây cầu sẽ như một chiếc lá mềm mại bay nhẹ nhàng trên dòng sông Sài Gòn sẽ là một biểu tượng mới độc đáo, hiện đại của TP.
Bên cạnh tin vui cầu đi bộ, cầu Thủ Thiêm 4 – công trình nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Nam TP – cũng có thiết kế độc đáo không kém.
Sau thời gian nghiên cứu, chiều 4-12 Sở Giao thông vận tải TP chính thức trình UBND TP báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Thủ Thiêm 4. Điểm độc đáo của cây cầu này là có thiết kế nhịp nâng, tĩnh không cầu cao thêm 45m.
Với thiết kế này, khi có tàu thuyền trọng tải lớn cần di chuyển qua khu vực, nhịp cầu sẽ được nâng lên 45m để tạo luồng di chuyển.
Về tiến độ triển khai, thời gian chuẩn bị dự án năm 2023 – 2024; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ năm 2024 – 2025. Công trình khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.
Mong Thành phố đáng sống hơn
Vì sao doanh nghiệp lại tặng cây cầu đi bộ với thiết kế độc đáo này? Ông Trần Bảo Minh nói rằng việc đề xuất tài trợ cầu đi bộ là “món quà” tri ân đến vùng đất cùng hàng triệu người tiêu dùng tại TP.HCM và cả nước đã yêu mến, tin tưởng, sử dụng các sản phẩm của công ty trong suốt hơn 20 năm qua.
“Là doanh nghiệp khởi nghiệp và lớn mạnh từ mảnh đất Sài Gòn, điều đó đã hun đúc tình yêu của chúng tôi với nơi đây và nung nấu ước mơ được làm gì đó để mảnh đất này ngày càng đẹp hơn, đáng sống hơn.
Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với những giá trị về môi trường, cảnh quan, giá trị về kinh tế mang lại cho người dân, cho TP đã biến tâm nguyện của chúng tôi thành hiện thực.
Cây cầu hứa hẹn sẽ là địa điểm giải trí thư giãn đẹp mắt cho người dân TP cũng như điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách”, ông Minh cảm ơn người dân và lãnh đạo TP đã tạo điều kiện cho Nutifood được làm cây cầu này.
Cầu đi bộ và cầu Thủ Thiêm 4 với những kiến trúc độc đáo, mới lạ sẽ lần lượt tô điểm thêm vào bức tranh đẹp của những công trình giao thông dưới sông, trên bờ nơi mà sông Sài Gòn nghiêng mình chảy qua khu vực trung tâm TP.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay hai cây cầu đều nằm trong quy hoạch tổng thể các công trình bắc qua sông Sài Gòn.
Quá trình sở nghiên cứu cầu Thủ Thiêm 4 cũng vào đúng thời điểm TP đang rà soát, nghiên cứu đánh giá tổng thể về quy hoạch chung để rà soát không gian đô thị, cảnh quan, kiến trúc nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của một dòng sông hiền hòa gắn liền với sự phát triển của TP.
Vì thế, đại diện Sở Giao thông vận tải TP cho biết trong quá trình nghiên cứu, TP cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri, các chuyên gia trong và ngoài nước.
TP giao Sở Giao thông vận tải TP nghiên cứu thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 vừa đảm bảo giao thông đường bộ vừa thông thương đường thủy cũng như có kiến trúc đặc biệt phát huy lợi thế không gian, cảnh quan hai bên sông Sài Gòn trong tương lai. Sau quá trình nghiên cứu, sở đã đề xuất công trình cầu với tĩnh không mở, có kết cấu nâng hạ nhịp chính thông thuyền.
Đây là giải pháp kỹ thuật chưa có tiền lệ ở trong nước, trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới đưa vào khai thác dạng cầu này.
“Sở Giao thông vận tải TP cũng tham vấn các cây cầu có thiết kế độc đáo trên thế giới. Chẳng hạn gần đây nhất là cầu nâng Pont Jacque Chaban-Delmas bắc qua sông Garonne ở Pháp.
Đây là cây cầu nổi tiếng với thiết kế độc đáo, nhịp chính của cầu có thể nâng lên độ cao khoảng 50m để các tàu bè lớn có thể đi qua và đang là một điểm du lịch nổi tiếng của nước Pháp.
Sau khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 4 cũng sẽ trở thành một biểu tượng mới, là điểm đến tham quan của khách du lịch.
Với các công trình đang triển khai, chúng ta kỳ vọng đôi bờ sông Sài Gòn sẽ thay đổi theo dáng dấp hiện đại, độc đáo, phát huy tối đa giá trị tiềm năng vốn có”, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, PGS.TS Tống Trần Tùng, tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết hiện ở nước ta mới có cầu quay ở sông Hàn (Đà Nẵng), cầu cất ở Hải Phòng có từ xưa.
Còn nâng hạ nhịp chính ở ta chưa có, trong khi trên thế giới đã làm nhiều và thu hút đông đảo khách du lịch.
Vì vậy, với thiết kế độc đáo của cầu nâng Thủ Thiêm 4 cùng với cầu đi bộ hình tượng lá dừa nước sẽ tạo ra “vị thế” về kiến trúc cảnh quan của dòng sông Sài Gòn, hướng tới sự phát triển hiện đại của TP.
Đối với cầu Thủ Thiêm 4, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng cầu giúp kết nối khu Nam và khu Đông TP.HCM, rút ngắn quãng đường di chuyển rất nhiều.
Cầu này còn giải quyết được bài toán giao thông vào vùng lõi trung tâm TP, giảm ùn tắc kẹt xe, đi lại xuyên suốt. Nếu nhìn về mặt kết nối giao thông, có thể thấy cầu này cần hơn cầu Ba Son.
Bởi vì từ trung tâm TP qua Thủ Thiêm đã có cầu Thủ Thiêm 1, hầm sông Sài Gòn. Còn từ khu Nam về khu Đông xưa nay toàn phải đi đường vòng.
Đối với thiết kế nhịp mở, có thể nâng hạ được, theo ông Hiển, đây là xu hướng chung của thế giới trong xây dựng cầu (cầu xoay, cầu nâng).
Ở gần trung tâm TP.HCM có cảng Cát Lái tiếp nhận một lượng hàng rất lớn mỗi năm. Sông Sài Gòn là tuyến giao thông thủy chính kết nối TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương. Do đó, cầu tĩnh không cao sẽ giúp giao thông thủy thông suốt. Nhịp cầu nâng cũng là điểm độc đáo, biểu tượng của TP trong tương lai.
Rút ngắn thời gian đi lại khi có cầu Thủ Thiêm 4
Cầu Thủ Thiêm 4 hình thành sẽ giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Đồng thời giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô liên quan đến các hoạt động của các bến cảng lân cận.
Theo tính toán sơ bộ, việc đi lại từ huyện Cần Giờ, Nhà Bè đến TP Thủ Đức có thể rút ngắn 5 – 10km khi có cầu Thủ Thiêm 4.
Dự kiến cây cầu này sẽ xuất phát từ nút giao Tân Thuận (đường Nguyễn Văn Linh giao cầu Tân Thuận), sau đó chuyển hướng vào đường Huỳnh Tấn Phát, khi đến đường Lưu Trọng Lư sẽ đi theo trục đường này rồi băng qua sông Sài Gòn.
Thiết kế cầu ở TP.HCM: chăm chút hơn về thẩm mỹ
Hiện nay tổng thể nối đôi bờ sông Sài Gòn có sáu cây cầu đã xây dựng và ba cây cầu được quy hoạch. Tính từ thượng nguồn trở về có thể kể đến cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu, cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Ba Son, cầu Phú Mỹ đã được xây dựng và đưa vào khai thác.
Trong quy hoạch hiện nay có cầu đi bộ vừa được TP.HCM ký kết với đơn vị tài trợ và cầu Thủ Thiêm 4 vừa trình TP báo cáo tiền khả thi. Ngoài ra còn có cầu Thủ Thiêm 3 cũng nằm trong quy hoạch lâu dài.
Khác với trước đây các cây cầu chủ yếu mang tính kết nối giao thông, giải quyết bài toán đi lại vận chuyển hàng hóa, hiện nay các cây cầu đã được chú ý hơn về tính thẩm mỹ, biểu tượng, mang lại cho TP.HCM giao diện mới.
Gần đây nhất có thể kể tới cầu Ba Son. Khởi công từ tháng 2-2015, đưa vào hoạt động 30-4-2022, cầu Ba Son (trước đây có tên Thủ Thiêm 2) được xây dựng dài 1.465m, quy mô sáu làn xe.
Phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng, cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Trong giai đoạn tiếp theo sau khi được UBND TP thông qua phương án chiếu sáng mỹ thuật, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện hạng mục đèn chiếu sáng.
Như vậy, càng về sau thiết kế cầu không đơn thuần là khối bê tông khổng lồ phục vụ đi lại mà TP.HCM đã chú ý hơn về mặt thẩm mỹ.
Đôi bờ nối nhịp cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có gì?
Theo quy hoạch, điểm bắt đầu cầu đi bộ từ phía quận 1 sẽ gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Nơi đây quy hoạch gần như đã hoàn chỉnh với phố đi bộ Nguyễn Huệ đi thẳng vào trụ sở UBND TP.HCM hơn 100 năm tuổi. Phía bờ TP Thủ Đức là khu vực đang được quy hoạch hình thành khuôn viên sinh hoạt cộng đồng đa năng, bãi đậu xe, nhà vệ sinh.
Cảnh quan được xây dựng thêm cầu tàu, thiết kế công viên đá, công viên ven sông, công viên sinh thái, chuỗi bè nổi thủy sinh, đài phun nước, trồng cánh đồng hoa hướng dương, khu vực trận địa pháo hoa, lắp đặt hệ thống đèn LED cổ động chính trị kết hợp quảng cáo.
Trân trọng nguồn lực đóng góp của xã hội
Phát biểu tại buổi lễ ký kết thỏa thuận về tài trợ cầu đi bộ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh trong quá trình phát triển chung của TP, bên cạnh nguồn lực do TP tạo ra, các thế hệ lãnh đạo TP luôn trân trọng những nguồn lực đóng góp của xã hội vì một TP văn minh, hiện đại.
Ông Mãi cảm ơn Nutifood đã đóng góp phần lợi nhuận từ hiệu quả sản xuất kinh doanh để xây dựng cây cầu này, đồng thời cảm ơn những doanh nghiệp đã, đang và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của TP.
Theo ông Mãi, thiết kế cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn đã được TP tuyển chọn. Tác phẩm đoạt giải cuộc thi là liên danh có uy tín trên thế giới. Vấn đề là cụ thể hóa ý tưởng thiết kế để làm cơ sở thi công.
Cầu đi bộ không chỉ có công năng đi lại mà còn là công trình kiến trúc điểm nhấn, dấu ấn của TP để lại cho đời sau.
“Trong quá trình thi công cầu đi bộ, cần triển khai khẩn trương nhưng chặt chẽ. Các sở ngành, đơn vị liên quan cần quan tâm sát sao để đảm bảo khởi công chậm nhất vào 30-4-2025 nhằm chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước.
Lãnh đạo TP giao Sở Giao thông vận tải TP cùng sở ngành, địa phương liên quan tiếp tục cùng nhà tài trợ phối hợp triển khai, hoàn thành đảm bảo tiến độ. Quá trình triển khai có phát sinh phải kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết để đảm bảo chất lượng, tiến độ”, ông Mãi yêu cầu.
Theo Báo Tuổi trẻ