TP.HCM nghiên cứu làm đường ven sông Sài Gòn dài 80km

TP.HCM nghiên cứu làm đường ven sông Sài Gòn dài 80km

TPHCM đang nghiên cứu làm đường ven sông Sài Gòn dài 80km kết nối vùng Đông Nam Bộ. Trước mắt, từ nay đến năm 2030 làm xong đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu dài 4km, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.

Đến năm 2030 sẽ có 4 km đường ven sông Sài Gòn

Thông tin được ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết tại buổi tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”, ngày 12.12.

Theo ông Bùi Hòa An, sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông TPHCM, kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam với các tỉnh thành Đông Nam Bộ. Việc đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TPHCM.

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, TPHCM đã có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn dài 80 km để kết nối vùng Đông Nam Bộ. Hiện các sở ngành thành phố đang nghiên cứu sơ bộ đường ven sông, đoạn từ cầu Ba Son tới Bình Triệu dài khoảng 4 km, rộng 30 m, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.

“TPHCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để thu hút các nguồn lực để làm đường ven sông Sài Gòn. Dự kiến, sau khi nghiên cứu, lập dự án, trình HĐND TPHCM thì năm 2030 sẽ hình thành đoạn đường ven sông Sài Gòn tuyệt đẹp dài 4 km” – ông An nói.

pho-giam-doc-so-giao-thong-van-tai
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM. Ảnh: Nguyệt Nhi

Theo ông Bùi Hòa An, đường ven sông Sài Gòn sẽ tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

“Tuyến đường ven sông cũng mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Việc khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn cũng giúp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển” – ông An nói.

TP.HCM đầu tư thêm 164 bến thủy

Tuyến đường ven sông Sài Gòn hình thành được kỳ vọng sẽ giúp giao thông đường thủy, đường bộ cùng phát triển. Những năm qua và đặc biệt trong thời gian gần đây, TPHCM đã rất chú trọng phát triển hạ tầng đường thủy nói chung và sản phẩm du lịch sông nước nói riêng.

Trong đó, TPHCM thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa trong việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cầu tàu, bến bãi, phương tiện… phục vụ du khách.

duong-ven-song-sai-gon
Đường ven sông Sài Gòn kỳ vọng giúp giao thông thủy, bộ cùng phát triển. Ảnh: Minh Quân

Hiện TP Thủ Đức và các quận, huyện đang cập nhật quy hoạch 411 bến thủy nội địa giai đoạn 2020 – 2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của từng địa phương. Trong đó, có 247 bến đang hoạt động và 164 bến được đề xuất, đầu tư xây dựng mới.

Theo thống kê, TPHCM có khoảng 100 du thuyền và 100 canô. Thực tế, nhu cầu chơi du thuyền những năm gần đây đang phát triển, tuy nhiên vấn đề thiếu bến neo đậu và dịch vụ cho du thuyền là một thách thức.

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng – Tổng thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức đặt vấn đề, các doanh nghiệp hiện nay muốn đầu tư các bến du thuyền dựa trên các khu đất ven sông có sẵn. Liệu doanh nghiệp có được đăng ký các khu đất này trong các vị trí đề xuất để quy hoạch bến thủy nội địa không và thủ tục thế nào?

Theo ông Bùi Hòa An, các doanh nghiệp muốn đề xuất làm các bến du thuyền có thể đề xuất với lãnh đạo các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ có văn bản đề xuất với Sở GTVT TPHCM để cập nhật vào quy hoạch 411 bến thủy nội địa giai đoạn 2020 – 2030.

Theo Báo Lao động