TP.HCM kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm áp dụng vào thực tiễn tại TP Thủ Đức.
UBND TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả triển khai thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị 9 tháng đầu năm 2023 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Theo UBND TP, nhìn chung, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ, yêu cầu đặt ra.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị được tiến hành khẩn trương, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sau sắp xếp, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí dược chú trọng.
Tuy nhiên, theo UBND TP, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 131 vẫn còn một số vướng mắc.
Cụ thể, số lượng công chức tại TP.HCM được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm, khối lượng công việc; quy mô dân số đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách. Do đó, khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trên địa bàn.
Do đó, UBND TP.HCM đề xuất Thành ủy kiến nghị với Trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp ủy thành phố thuộc thành phố. Hướng dẫn bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cấp ủy cấp huyện và quy định cụ thể nội dung phân cấp, ủy quyền của Ban Thường vụ cấp ủy đối với cấp ủy cơ sở phù hợp với thực hiện chính quyền đô thị theo yêu cầu nhiệm vụ, tình hình mới.
Kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa, áp dụng vào thực tiễn tại TP Thủ Đức. Từ đó, làm cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với mô hình nêu trên.
Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP Thủ Đức để phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Kiến nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay. Việc áp dụng chính sách đặc thù tại đơn vị hành chính mới không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân…
Theo Vietnamnet