Trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng đi xuống, nhiều nhà đầu tư lựa chọn sẽ tiếp tục mua bất động sản trong thời gian tới. Điều này cho thấy, tâm lý của các nhà đầu tư dần có tín hiệu hồi phục, tạo động lực tích cực cho thị trường vực dậy.
Từ giữa năm 2022, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đều tăng cao, điều này đã tác động một phần tới thanh khoản trên thị trường bất động sản. Từ đó, thị trường bất động sản vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng, không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả người mua nhà ở thực cũng dè chừng với lãi suất vay.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, kể từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2022 chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 – 20% và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn. Việc nới lỏng tiền tệ đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để duy trì mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế khi doanh nghiệp hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh vì lo ngại rủi ro lãi suất.
Song, từ đầu năm 2023 tới nay, 4 lần Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Điều này giúp áp lực tài chính của nhóm doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy lớn trước đó. Đồng thời, lãi suất giảm sẽ kích thích người mua xuống tiền.
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 5/2023 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng).
Trong đó, tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đồng thời có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản đã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Nếu niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng; còn nếu lãi suất huy động có giảm xuống mức dưới 10% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền nhàn rỗi này có thể quay trở lại, giúp thị trường hồi phục.
Trong một khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn, trong tổng số 1.000 người tham gia khảo sát có tới 61% dự định sẽ mua bất động sản trong 1 năm tới. Điều này cho thấy, tâm lý của người mua đang dần hồi phục hơn so với trước kia, nhất là lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Theo Nhịp sống thị trường