THỊ TRƯỜNG THÉP SẼ “KHỞI SẮC” KHI NHU CẦU TĂNG VÀO DỊP CUỐI NĂM

THỊ TRƯỜNG THÉP SẼ “KHỞI SẮC” KHI NHU CẦU TĂNG VÀO DỊP CUỐI NĂM

Nhận định về thị trường thép trong nước từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng trong quý IV/2022 có thể khởi sắc, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý.

Sản xuất và tiêu thụ thép tiếp tục “đi xuống”

Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 9/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Về tình xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 8/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 513,74 nghìn tấn, giảm 16,26% so với tháng trước và giảm 65,82% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 457,61 triệu USD, giảm 29,02% so với tháng 7/2022 và giảm 68,25% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,92 triệu tấn thép giảm 30,27% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,08 tỷ USD giảm 13,35% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là khu vực ASEAN (35,33%), Khu vực EU (19,68%), Hoa Kỳ (10,84%), Hàn Quốc (6,36%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (4,37%).

thiennamgroup.vn-thi-truong-thep-se-khoi-sac-khi-nhu-cau-tang-vao-dip-cuoi-nam

Ngược lại, trong tháng 8/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 785 nghìn tấn với kim ngạch đạt 848,9 triệu USD, giảm 13,65% về lượng và giảm 17,76% về trị giá so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,94% về lượng và giảm 11,29% về trị giá. Tính chung 8 tháng năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,18 triệu tấn với trị giá hơn 8,8 tỷ USD, giảm 7,97% về lượng, nhưng tăng 14,11% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (46,01%), Nhật Bản (15,67%), Hàn Quốc (11,12%), Đài Loan (9,09%) và Ấn Độ (7,22%).

Nhận định về thị trường thép trong nước từ nay đến cuối năm, VSA cho rằng trong quý IV/2022 mới có thể khởi sắc, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Tuy nhiên, nhu cầu có tăng hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý. Hơn nữa, tốc độ giải ngân đầu tư công hiện nay vẫn còn khá chậm. Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn đang ở mức thấp nên dù châu Âu và Trung Quốc có đang giảm sản lượng thì Việt Nam cũng chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Sức cầu tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận

Từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước liên tục giảm đã tác động đến cổ phiếu ngành này. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng, giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023. Do nhu cầu thép được kỳ vọng sẽ tăng trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa công bố, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.

VCBS cũng kỳ vọng giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có dự định đưa ra gói hỗ trợ cho vay 200 tỷ Nhân dân tệ lãi suất thấp giúp tái cơ cấu các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại; Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế. Với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới. Vì vậy, giá thép sẽ rất nhạy cảm với nhu cầu, VCBS kỳ vọng khi triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện mức biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.

Giá nguyên liệu sản xuất thép giảm

Về tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 6/10/2022 giao dịch ở mức 95,45 – 95,95 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 2,3 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 9/2022. Mức giá này giảm khoảng 114 – 116 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).

VCBS cũng nhận thấy chu kỳ giá thép hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn 2013 – 2016 khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại, từ đó thép đi vào giai đoạn giảm giá dài. Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thép phải hạn chế sản xuất. Tuy nhiên vào năm 2016 khi chính phủ Trung Quốc triển khai hàng loạt chính sách kích thích thị trường bất động sản và thắt chặt nguồn cung thép thì giá thép đã cho mức tăng giá rất ấn tượng.

Tại thị trường trong nước, nguồn cung bất động sản trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2023 sau quá trình siết chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022, VCBS kỳ vọng chính sách sẽ dần nới lỏng cho các chủ đầu tư vào năm 2023 giúp nguồn cung được hồi phục rõ rệt. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn. Nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.

Tương tự, trong báo cáo mới đây, Agriseco (Công ty cổ phần chứng khoán Agribank) cho rằng, tình trạng thiếu hụt năng lượng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn tại châu Âu khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép. Theo Agriseco Research, thông tin này sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho nhóm cổ phiếu thép trong ngắn hạn và có thể tạo ra những cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Theo Thời báo Tài chính