Tuần này ghi nhận giá thép cuộn CB240 của nhiều thương hiệu thép điều chỉnh tăng đến từ lý do bù giá nguyên vật liệu đầu vào.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 5 đợt tăng liên tiếp. Gần đây nhất, sau hơn 2 tuần giá thép xây dựng duy trì ổn định, ngày 22/2 thị trường nội địa đã có đợt điều chỉnh tăng giá tiếp theo cho mặt hàng thép cuộn CB240. Mức tăng giá thép cuộn xây dựng ở phía Bắc là 200.000 đồng/tấn, phía Nam là 150.000 đồng/tấn.
Cụ thể, thép Hòa Phát điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm đối với thép cuộn CB240 thêm 200.000 đồng/tấn lên mức 15,96 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT). Phạm vi áp dụng cho khu vực miền Bắc.
Trong khi đó, giá thép thanh vằn D10 CB300 được giữ nguyên so với lần điều chỉnh trước đó, ở mức 15,84 triệu đồng/tấn. Phía Hòa Phát cho biết, trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, công ty buộc phải điều chỉnh giá bán nhiều lần để bù cho chi phí sản xuất và giảm lỗ.
Tương tự, thép Việt Đức và thép Việt Sing thông báo tăng giá bán thép cuộn thêm 200.000 đồng/tấn. Phạm vi áp dụng tại thị trường miền Bắc và miền Trung từ ngày 22/2.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bình quân giá thép nội địa hiện tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 8%.
Về nguyên nhân tăng giá, theo VSA do nguyên liệu đầu vào tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán để bù lại giá thành sản phẩm, giảm lỗ. Tuy nhiên, giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép chưa cao.
Được biết, tháng 1/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 392.000 tấn thép thô, tương đương 56% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 402.000 tấn, bằng 64% so với tháng đầu năm trước.
Đại diện Hòa Phát lý giải, cả 2 kỳ nghỉ tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều nằm trong tháng 1, nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều thấp. Do vậy sản lượng sản xuất và bán hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Trong sản lượng trên, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao đóng góp 304.000 tấn, giảm 20% so với tháng 1/2022. HRC đạt 86.000 tấn, trong đó có 4.600 tấn xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp gần 13.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.
Còn với Tổng Công ty Thép Việt Nam, tháng 1/2023, toàn hệ thống sản xuất hơn 303.000 tấn phôi thép và thép các loại, bằng 61% cùng kỳ năm 2022, tăng 2% so với tháng liền kề trước đó. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, tôn mạ đạt trên 220.200 tấn, bằng 75% cùng kỳ năm trước và giảm 16% so với tháng trước.
Theo báo cáo về cơ cấu sản lượng tiêu thụ tháng 1/2023, sản lượng thép xây dựng ước đạt trên 186.600 tấn, tôn mạ trên 19.000 tấn, thép cuộn cán nguội trên 14.600 tấn. Trong tháng 1/2023 hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống tại Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á tiếp tục được duy trì.
Theo Kinh tế & Đô thị