Sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến cuộc chiến chống COVID-19 trên thế giới bước sang giai đoạn mới, thay vì tìm kiếm mục tiêu "zero-COVID" như trước đây, các quốc gia đang học cách "sống chung với virus".
Sau khoảng thời gian dài phong toả, giãn cách, những cụm từ như “mở cửa”, “thẻ xanh COVID”, “khôi phục kinh tế” dường như đang chiếm sóng trên các bản tin về kinh tế toàn cầu.
"Ngày giải phóng" của Anh được ví như đang đùa với lửa
Anh và Mỹ được biết đến như những quốc gia đầu tiên cho phép mở cửa trở lại và đến hiện tại, người dân được tham gia gần như tất cả các hoạt động.
“Chúng ta phải học cách sống chung với dịch”, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói trước khi đưa ra quyết định dỡ bỏ hầu hết các hạn chế vào ngày 19/7, được người dân Anh gọi là “ngày giải phóng”. Quyết định được đưa ra bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm đã nhận được sự phản đối kịch liệt từ các nhà khoa học.
Hơn 1.000 nhà khoa học đồng quan điểm cho rằng “chính phủ đang thực hiện một thí nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức”. Cả thế giới nhìn vào nước Anh với đầy sự hoài nghi.
Tại thời điểm đó, 87% dân số trưởng thành của Anh đã tiêm một liều vắc xin phòng COVID-19 và hơn 68% người trưởng thành đã tiêm hai liều. Số người chết vì COVID-19 mỗi ngày khoảng 40 người, thấp hơn rất nhiều so với con số trên 1.800 người ghi nhận hồi tháng 1.
Thủ tướng Anh phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, chúng ta phải tự hỏi mình, bao giờ chúng ta sẽ làm điều đó?”
Quyết định được đưa ra khi nền kinh tế Anh chính thức bước vào giai đoạn suy thoái sau 11 năm, số liệu thống kê cho thấy GDP hai quý liên tiếp suy giảm. Kinh tế đã bật trở lại trong tháng 6, khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Các nước Đông Nam Á cũng rục rịch mở cửa
Không chỉ là ở phương Tây, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã bắt đầu có những hành động mới, mở cửa để khôi phục kinh tế sau thời gian dài căng mình chống dịch.
Với 80% dân số được tiêm chủng hai liều vắc xin COVID-19, Singapore lên lộ trình hướng tới sống chung với COVID-19 gồm 4 giai đoạn: chuẩn bị, chuyển đổi A, chuyển đổi B và sống chung với COVID.
Ngay trong tháng 8, những người tiêm vắc xin đầy đủ có thể ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng với nhóm tối đa 5 người. Việc tụ tập nơi công cộng bị giới hạn tối đa 5 người. Những người chưa được chủng ngừa được khuyến cáo chỉ tụ tập tối đa nhóm 2 người,… Với nơi công sở, Singapore cho phép 50% số nhân viên của doanh nghiệp quay lại nơi làm việc.
Trên thực tế, “đảo quốc sư tử” đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để “dò đường” sống chung với COVID-19. Khi số ca mắc có dấu hiệu tăng, tiến trình nới lỏng được tạm hoãn vào ngày 7/9, nước này đã siết lại một số hạn chế như không tập trung tại nơi làm việc, giảm hoạt động xã hội,…
Malaysia cũng đã lên kế hoạch “Phục hồi quốc gia Malaysia” gồm 4 giai đoạn, dựa trên ba yếu tố chính là số ca nhiễm, số ca trong khu chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ tiêm chủng.
Giai đoạn 1, áp dụng giới hạn di chuyển toàn bộ trong thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng áp lực cao.
Giai đoạn 2, hoạt động kinh tế từng bước mở cửa và 80% người lao động đi làm. Tuy nhiên, chỉ một số lĩnh vực hoạt động trở lại dựa trên quyết định của chính phủ.
Giai đoạn 3, mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, trừ những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm và tập trung đông người.
Giai đoạn 4, chính phủ sẽ cân nhắc mở cửa mọi hoạt động thường ngày, cho phép nhiều hoạt động xã hội hơn và khôi phục đi lại, du lịch nội địa.
Trong cuộc họp hôm 8/9, Chính phủ Malaysia quyết định ba vùng trọng điểm là Selangor, Putrajaya và Kuala Lumpur bước vào giai đoạn 2 từ ngày 10/9. Theo hãng tin Bernama, hoạt động đi lại giữa ba bang được phép khôi phục, thực khách được phép dùng bữa tại nhà hàng, người tiêm đủ liều vắc xin có thể đi du lịch. Tiệm làm tóc, làm đẹp cũng được phép hoạt động trở lại.
Dựa trên số liệu cập nhật ngày 20/9 của Our World in Data, Malaysia hiện có tỷ lệ tiêm chủng đạt 67%, trong đó 57% dân số tiêm đủ hai mũi.
Việc mở cửa cũng được tiến hành tại các quốc gia khác trong khu vực như Campuchia và Indonesia. Campuchia cho phép các trường trung học công lập và tư thục được mở cửa trở lại từ 15/9 sau khi khoảng 87% trẻ em, thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi đã được tiêm phòng.
Còn Indonesia đã bắt đầu mở cửa nhà hàng, trung tâm mua sắm, nơi cầu nguyện… tại một số khu vực, đồng thời cho biết sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số địa điểm du lịch khác trong nước vào tháng 10.
Quyết tâm của - 03
Nếu như các quốc gia như Anh, Mỹ hay Singapore lựa chọn “sống chung với virus” khi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức ấn tượng thì Thái Lan lại lựa chọn hướng đi này ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng mới đạt gần 40% dân số, trong đó có khoảng 18% đã được tiêm mũi hai.
Câu chuyện mở cửa của Thái Lan bắt đầu từ khi quốc gia này bắt đầu đón du khách quốc tế thông qua thí điểm đón khách tại Phuket (“sandbox Phuket”) cùng chương trình mở rộng đến các hòn đảo và bãi biển lân cận vào hồi tháng 7 vừa qua.
Mặc dù số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao từ khi bắt đầu đón khách quốc tế, Thái Lan vẫn duy trì mục tiêu mở cửa một số tỉnh thành và hướng tới mở cửa hoàn toàn đất nước từ đầu năm 2022.
“Chúng ta phải thích nghi để cùng tồn tại một cách an toàn với căn bệnh này. Các chiến lược chống dịch sẽ thay đổi theo cách kiểm soát dịch đi đôi với phục hồi kinh tế. Hoạt động kinh doanh cần được tiếp tục để mọi người có thể khôi phục cuộc sống bình thường và giảm bớt khó khăn”, Bangkok Post dẫn lời đại diện Trung tâm quản lý tình huống COVID-19 của Thái Lan (CCSA).
Từ 1/9, các trung tâm thương mại, quán cà phê và nhà hàng tại Thái Lan đã được hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa. Cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được tiếp khách với 50% công suất trong nhà và 75% đối với địa điểm ngoài trời.
Toàn bộ nhân viên phải được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ và được xét nghiệm tầm soát thường xuyên. Khách hàng cần phải có giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 hoặc giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Các dịch vụ như cắt tóc, làm đẹp, thể dục thể thao,… đều được hoạt động trở lại, tránh tập trung quá 25 người tại các vùng đỏ và quá 100 người tại vùng cam.
Số ca nhiễm mới trong ngày ở Thái Lan vẫn ở mức hơn 10.000 ca mỗi ngày, song mục tiêu mở cửa vẫn tiếp tục được thực hiện. Các tỉnh Chiang Mai, Prachuap Khiri Khan và Chon Buri sẽ là những điểm đầu tiên hoạt động du lịch, vui chơi giải trí trở lại, mở cửa từ 1/10 theo đúng kế hoạch ban đầu. Còn thủ đô Bangkok phải lùi lại tới tháng sau do chưa đủ số người hoàn thành hai mũi vắc xin.
Mở cửa và những rủi ro phải đối mặt
Khi chấp nhận “sống chung với virus”, một điều không thể xoá bỏ là số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày vẫn sẽ tiếp tục tăng. Điển hình như tại Anh hay Mỹ, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin đạt mức lần lượt 71% và 63% song số ca nhiễm mới hàng ngày trong tuần vẫn ở mức cao với khoảng 36.700 ca/ngày tại Anh và trên 134.000 ca/ngày tại Mỹ.
Một điều đáng mừng cho nước Anh là tuần sau khi mở cửa trở lại, số ca nhiễm mới lại có xu hướng giảm và được nhận định có thể là xu hướng dài hạn, số ca tử vong duy trì dưới 100 ca mỗi ngày.
Các nhà khoa học cũng chưa giải thích được nguyên nhân tại sao số ca nhiễm lại giảm. Tuy nhiên, số liệu này là một động lực tích cực cho nước Anh cũng như các quốc gia khác đang nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Sự lạc quan tương tự cũng đang xảy ra tại Malaysia và Thái Lan khi biểu đồ ca nhiễm cho thấy đã qua vùng đỉnh và đang có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, không phải tại quốc gia nào con số ca mới cũng có những tín hiệu tích cực như vậy. Tại Mỹ và Singapore, số ca nhiễm mới vẫn ở vùng đỉnh và chưa có tín hiệu rõ ràng cho sự thay đổi xu hướng. Đó cũng là nguyên nhân khiến Chính phủ Singapore vẫn đang mở cửa chậm rãi, dù áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định không thể đưa F0 về số 0 ngay cả khi giãn cách quá lâu: “Chúng tôi sẽ tiến từng bước, thận trọng và tiến bộ”, theo Reuters.
Hiện Singapore đang duy trì ở mức 100 ca nhiễm mới hàng ngày, số ca bị nặng không cao. Bắt đầu từ tuần tới, Singapore sẽ cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm chủng chỉ từ Đức và Brunei.
Nguồn: Our World in Data.
Dù là “mở toang” như Anh hay thận trọng “vừa dò đường vừa nới lỏng” như Singapore và Thái Lan, việc sống chung với COVID-19 là một tương lai mà ở đó các quốc gia sẽ phải học cách kiểm soát ổ dịch song song với mục tiêu giảm thiểu các hạn chế cản trở hoạt động kinh tế.
Theo kinh tế chứng khoán