Sớm có phương án kết nối giao thông cho sân bay Long Thành

Sớm có phương án kết nối giao thông cho sân bay Long Thành

Để có thể khai thác tốt nhất những lợi thế mà cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành mang lại, hạ tầng giao thông cũng đòi hỏi phải được kết nối một cách đồng bộ.

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, một trong 3 tuyến đường cao tốc kết nối với sân bay Long Thành hiện đang được thi công

Đây là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện sớm tại lễ khởi công dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào đầu tháng 1-2021.

* Kết nối đường cao tốc, đường sắt với sân bay

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Khi đưa vào khai thác sân bay này sẽ có công suất 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Do đó, để khai thác tốt sân bay Long Thành giai đoạn 1, đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay cũng phải sớm được xây dựng đồng bộ.

Theo quy hoạch, hệ thống giao thông chính kết nối với sân bay Long Thành gồm có 3 tuyến đường cao tốc gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu và 2 tuyến đường sắt gồm đường sắt Bắc – Nam, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành.

Đối với các tuyến đường cao tốc, hiện nay đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành hiện đang triển khai xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Riêng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến sẽ khởi công thực hiện vào cuối năm 2021.

Để thực hiện kết nối các tuyến đường cao tốc với sân bay Long Thành, trong dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có 2 tuyến giao thông được quy hoạch xây dựng gồm tuyến số 1 và 2. Đây là các hạng mục thuộc dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Ngoài vai trò kết nối sân bay với các tuyến đường cao tốc, 2 tuyến đường này còn đóng vai trò phục vụ quá trình thi công xây dựng sân bay.

Đồng Nai được giao nhiệm vụ thực hiện công tác thu hồi đất để xây dựng 2 tuyến đường kết nối giao thông của sân bay Long Thành. Ngay từ khi dự án chưa được phê duyệt, địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ càng để thực hiện nhiệm vụ. Các công tác cắm mốc quy hoạch, nhân sự thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng đã được hoàn tất.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, đối với công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường giao thông kết nối, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho H.Long Thành thực hiện. “Hiện nay các cơ quan chức năng của huyện đang tiến hành thống kê số lượng hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực triển khai xây dựng 2 tuyến đường. Sau Tết Nguyên đán 2021, H.Long Thành sẽ triển khai thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm đất đai” – ông Lê Văn Tiếp cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, để khai thác tốt lợi thế của sân bay Long Thành, việc kết nối hạ tầng giao thông với sân bay là rất quan trọng. Do đó, Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành sớm triển khai tuyến đường cao tốc kết nối giao thông khi dự án đi vào vận hành.

Đối với 2 tuyến đường sắt, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết đã kiến nghị Bộ GT-VT sớm triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. “Đây là dự án có thể triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP). Khi có tuyến đường sắt này, sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào vận hành”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Mở không gian phát triển mới

Thực tế, việc sớm thực hiện kết nối hạ tầng giao thông với sân bay Long Thành không chỉ giúp tránh tình trạng ùn tắc giao thông như đã từng xảy ra tại nhiều sân bay khác trên cả nước mà còn có vai trò mở ra các không gian phát triển mới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các tuyến đường giao thông khi kết nối vào cùng với sân bay Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới, chuyên về sản xuất dịch vụ tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam bộ và các khu vực khác. Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có liên quan phải chủ động nghiên cứu, đưa vào quy hoạch phát triển khu vực để có sự đồng bộ, phát huy giá trị to lớn của sân bay Long Thành. “Xây dựng một nền kinh tế xung quanh sân bay, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, quốc tế, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng mạnh dịch vụ, góp phần giải quyết nhiều việc làm không chỉ Đồng Nai mà cả khu vực miền Đông, miền Tây và cả nước, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra động lực phát triển lớn cho nhiều vùng huyện của tỉnh. Do đó, hiện nay Đồng Nai đang nghiên cứu để đưa vào quy hoạch nhằm khai thác tối đa các lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại. Về hệ thống giao thông, Đồng Nai cũng đã thực hiện bổ sung vào quy hoạch, trong đó sẽ thực hiện mở mới, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 5-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Tây cùng các bộ, ngành sớm có phương án kết nối hạ tầng giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt.

Theo Báo Đồng Nai