Trong quý 1/2022, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng lần lượt là 3,2% và 7,7% so với cùng kỳ. Về nguyên liệu, trong khi, giá quặng sắt, than mỡ luyện cốc, thép cán nóng (HRC) giảm, thì thép phế liệu lại tăng khá mạnh…
Ngày 18/4, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 3 và quý 1/2022.
Theo đó, trong tháng 3/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 3,338 triệu tấn, tăng 29,16% so với tháng 2/2022 và tăng 6,8% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 3,123 triệu tấn, tăng 21,3% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Tính chung quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9%.
Về tình hình xuất khẩu, báo cáo cho thấy, trong tháng 3/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 956 nghìn tấn, tăng 75,41% so với tháng trước, nhưng giảm 22,8% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 908,63 triệu USD, tăng 71,87% so với tháng 2/2022 và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý 1/2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong quý 1/2022 là khu vực ASEAN (40,57%), khu vực EU (19,32%), Hoa Kỳ (8,34%), Hàn Quốc (6,97%) và Hồng Kông (3,91%).
Từ chiều ngược lại, trong tháng 3/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD tăng 23% về lượng và tăng 22,36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý 1/2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về giá trị.
Đối với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 8/4/2022 giao dịch ở mức 155 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 1,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2022. Mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/4/2022 giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với đầu tháng 3/2022. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ quý III/2021 và điều chỉnh mạnh trong tháng 3/2022.
Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 624 USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/4/2022 tăng 44 USD/tấn so với hồi đầu tháng 3/2022.
Giá thép cán nóng (HRC) ngày 8/4/2022 ở mức 878 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 12 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2022.
Nhìn chung, thị trường thép HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Theo dự báo của một số chuyên gia, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép nội địa sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tăng giải ngân đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, và hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, trong đó 113.850 tỷ đồng được phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, các cảng logistics lớn…, kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng.
Nguồn: Vneconomy