PHÂN LOẠI RÁC Ở NHẬT VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT!

PHÂN LOẠI RÁC Ở NHẬT VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT!

Nhật Bản được cả thế giới biết đến là một quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường. Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục rất kỹ về ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bắt đầu từ những hành động giản đơn thường ngày như vứt rác.

Nhiều người nước ngoài khi mới đến Nhật Bản sẽ cảm thấy những quy tắc vứt rác của người Nhật thật khó nhớ và họ chẳng thể nào làm đúng được. Tuy nhiên, chỉ cần bạn dành một chút thời gian để tìm hiểu về các quy định trong việc phân loại cũng như cách vứt rác thì chắc chắn mọi thứ sẽ trở nên vô cùng đơn giản.

Hãy cùng Thiên Nam Building tìm hiểu cách phân loại rác ở một trong các quốc gia sạch nhất thế giới – Nhật Bản nhé! 

CÁCH PHÂN CHIA RÁC Ở NHẬT

Đối với người nước ngoài, việc phân chia rác thải ở Nhật dường như khá phức tạp. Các nhóm rác thải chính bao gồm rác cháy được, rác không cháy được, rác thải tài nguyên và rác thải cỡ lớn. Tùy từng địa phương mà cách phân loại rác sẽ có những thay đổi nhất định, nhưng bạn có thể tham khảo những cách phân chia dưới đây để hiểu khái quát nhất cách mà người Nhật phân loại rác hàng ngày.

Rác cháy được

Hiểu một cách đơn giản, rác cháy được là tất cả các loại rác có thể đốt được, bao gồm một số loại rác như rác từ nhà bếp (đồ ăn thừa, vỏ trứng, vỏ hoa quả,…), vỏ bao bì bằng giấy, xốp, đồ dùng bằng các chất liệu da, gỗ, vải,… Các loại vỏ bao bì, chai lọ bằng nhựa có ký hiệu Plastic hay プラ nhưng đã bẩn cũng có thể xếp vào nhóm rác này.

Rác cháy được là loại rác chủ yếu phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của con người và dễ tự phân hủy, bốc mùi nên thường được thu gom thường xuyên hơn các loại rác khác khoảng 2 lần/tuần.

Cũng cần lưu ý rằng, thông thường để đốt rác cần tiêu tốn khá nhiều năng lượng, do đó rác thải có càng nhiều nước, lượng năng lượng cần tiêu thụ cho việc đốt và xử lý rác sẽ cần nhiều hơn. Vì vậy, ở Nhật, trước khi vứt rác, người ta thường cố gắng loại bỏ hết nước thừa, chỉ để lại phần rác khô trước khi đem đi vứt.

Rác tái chế

Rác tái chế được hiểu đơn giản là những loại rác thải có thể tái chế để sử dụng vào các mục đích khác. Nhóm rác thải này có số lượng ít hơn so với rác cháy được nên nó thường được thu gom 1 lần mỗi tuần hoặc 2 tuần.

Bao bì sản phẩm, đồ chứa đựng

Ở một số địa phương, những sản phẩm có ký hiệu chữ Plastic hay プラ (plastic) chẳng hạn như những vỏ chai dầu gội, sữa tắm, chai dầu ăn,… được xếp vào nhóm rác tái chế. Ngoài ra, những chiếc vỏ bao bì sản phẩm bằng nilon hay những khay nhựa đựng thực phẩm nếu còn sạch (hoặc đã được rửa sạch) cũng được coi là bao bì, đồ chứa đựng và được xếp vào nhóm rác này.

・Chai nhựa, lọ thuỷ tinh, vỏ lon

Chai nhựa, chai thuỷ tinh, vỏ lon cũng là những sản phẩm nằm trong nhóm rác tái chế. Nhóm này thường bao gồm vỏ chai, lon nước uống, chai đựng mỹ phẩm, bình rượu, những chai đựng gia vị nấu ăn như shoyu, dấm,… Khi xử lý loại rác này, bạn cần phải bóc hết lớp vỏ hoặc nhãn ghi thông tin sản phẩm và tháo nắp rồi mới được đem đi vứt, bởi nếu không loại bỏ những phần này, chúng sẽ trở thành những dị vật trong quá trình tái chế. Lớp vỏ và nắp nhựa có thể được vứt vào cùng với rác thải từ nhựa.

Tại khu vực vứt rác, bạn sẽ thấy các túi lưới và các thùng nhựa có in chữ can (缶), chai (瓶) trên đó. Việc của bạn chỉ là đem các loại chai lọ ra và xếp chúng vào đúng nơi quy định. Thông thường các loại chai nhựa PET sẽ được xếp vào các túi lưới, còn can và chai thủy tinh được xếp vào các thùng nhựa tương ứng.

・Sách, báo, tạp chí,…

Sách, báo, tạp chí, thùng cát-tông, vỏ hộp sữa,… được làm bằng giấy nên có thể được xếp vào nhóm rác cháy được, tuy nhiên, ở một số địa phương tại Nhật Bản, người ta lại xếp chúng thành một nhánh nhỏ trong nhóm rác tài nguyên. Riêng đối với nhóm rác thải này, người ta sẽ buộc thành một chồng giấy gọn gàng tại điểm tập kết rác thay vì tùy tiện nhét vào túi đựng rác như các loại rác thải khác.

Rác không cháy được  

Có lẽ có nhiều người khi nghe đến rác không cháy được sẽ cảm thấy khá bối rối, không biết phải định nghĩa từ “không cháy được” ra sao bởi lẽ hầu như những rác thải sinh hoạt của chúng ta đều có thể đốt được. Nhưng bạn cần nhớ một điểm mấu chốt rằng mục đích đầu tiên của việc phân loại rác là để bảo vệ môi trường, do đó, nếu đốt cả những loại rác thải độc hại thì không những bạn không thể bảo vệ môi trường mà còn khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Rác thải không cháy được được quy định là những loại rác thải bằng nhựa cứng (đĩa CD, hộp đựng cơm, móc treo quần áo,…), đồ dùng gia đình bằng kim loại (xoong, nồi, chảo, dao, dĩa,…), các loại bình, can (không dùng để đựng thực phẩm), đồ dùng làm bằng thuỷ tinh, các đồ gia dụng cỡ nhỏ (điện thoại, bàn là, máy đánh trứng, loa đài,…), các loại rác thải độc hại với môi trường (nhiệt kế, pin, bình xịt côn trùng, bóng đèn,…).

Rác thải không cháy được có lịch thu gom 1 – 2 tuần/lần, tuỳ quy định của mỗi địa phương.

Rác thải cỡ lớn

Theo cách phân loại ở trên, sẽ có rất nhiều loại rác thải trong gia đình khiến bạn nghĩ rằng đó là rác thải cháy được, rác thải không cháy được, nhưng khi đem vứt tại bãi tập kết rác thì chúng lại không được đem đi. Những chiếc chăn bông làm từ vải nên có thể đốt được hay những chiếc xe ô tô đồ chơi của trẻ em hoàn toàn làm bằng nhựa nên có thể vứt được vào rác thải từ nhựa, thế nhưng tại sao khi bạn đem chúng đi vứt, những người thu gom rác lại không chấp nhận mang những thứ đó đi? Lý do là bởi có thể chúng là những rác thải cỡ lớn và cần được xử lý đặc biệt (chúng tôi sẽ đề cập ở phần tiếp theo). Rác thải cỡ lớn gồm chăn đệm, các loại đồ gia dụng như quạt, máy hút bụi, tivi, tủ lạnh, máy in, bàn ghế,… Hay thậm chí là xe đạp, đồ chơi trẻ em cỡ lớn. Nếu như rác thải thông thường được thu gom theo đúng ngày quy định thì rác thải cỡ lớn lại được xử lý riêng. 

Nếu muốn vứt rác cỡ lớn, bạn cần phải thực hiện một trong những cách sau đây: 

  • Gọi điện đến trung tâm xử lý rác thải cỡ lớn của địa phương để hỏi về ngày thu hồi rác, mức phí phải trả để xử lý rác của mình.
  • Đến cửa hàng tiện lợi mua Phiếu tính phí xử lý rác thải cỡ lớn tương ứng với mức phí cần xử lý rác của bạn.
  • Điền họ tên và ngày thu gom rác lên Phiếu tính phí xử lý rác thải cỡ lớn và dán lên món đồ bạn muốn xử lý.
  • Đem rác thải cần xử lý đến điểm thu hồi rác đã được hướng dẫn qua điện thoại. Rác sẽ được đem đi khi đến ngày hẹn.
  • Để tránh việc gây phiền toái cho những người xung quanh cũng như cản trở giao thông, bạn hãy đem đồ cần xử lý đến điểm thu gom sát với thời gian được quy định.

Hãy lưu ý rằng rác thải mà bạn vứt đi không được thu hồi có thể là do số tiền xử lý rác mà bạn mua ghi trên phiếu chưa đủ với quy định, do đó bạn nên xác nhận với nhân viên phụ trách của trung tâm xử lý rác cỡ lớn trước khi đi vứt nhé!

Những điều này góp phần làm nên một Nhật Bản xanh – sạch – đẹp mà cả thế giới phải ngưỡng mộ. Việc vứt rác tưởng chừng như rất phức tạp nhưng lại không hề quá khó nếu như bạn dành một chút thời gian tìm hiểu về những quy tắc cơ bản kể trên. Hy vọng thông qua bài viết này bạn sẽ có thêm những kiến thức cơ bản về việc phân loại rác để không gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt ở Nhật Bản và có thể hiểu hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác để làm xanh hơn môi trường bạn nhé!