Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, trong đó có kế hoạch triển khai tiếp 3 tuyến metro cho thành phố.
Triển khai 3 tuyến metro số 5, số 3a và số 2
Đầu tiên, MAUR cho biết kế hoạch năm 2024 sẽ hoàn tất công tác thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư của tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).
Dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 40.000 tỉ đồng, vay vốn của Chính phủ Tây Ban Nha; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB).
Dự án có chiều dài khoảng 8,9 km, bắt đầu từ ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) kết nối với tuyến metro số 2 tại nhà ga Ngã tư Bảy Hiền, sau đó đi về phía Đông đi qua bãi đỗ tàu (depot) ở công viên Hoàng Văn Thụ, tại đây sẽ kết nối với tuyến 4b.
Tiếp đó, tuyến sẽ đi dọc theo đường Hoàng Văn Thụ, kết nối với tuyến metro số 4 tại ga Ngã tư Phú Nhuận, tiếp tục đi dọc theo đường Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, kết nối với tuyến Metro số 3b tại ga Hàng Xanh và kết thúc tại ga cầu Sài Gòn, đồng thời cũng là điểm kết nối với tuyến metro số 1.
Thứ hai, MAUR cho biết năm 2024 sẽ cập nhật tổng mức đầu tư; giải trình, trình thông qua đề xuất dự án cập nhật của tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành – Tân Kiên).
Tuyến đường sắt đô thị số 3a có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67.125 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến khoảng 19,58 km gồm 17 nhà ga và một depot tại Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Tuyến đi qua địa bàn quận 1, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Thứ ba là tuyến metro số 2, giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm) cũng sẽ được phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi; triển khai lập đề xuất dự án trong năm 2024. Đây là tuyến metro rất quan trọng để phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nghiên cứu chính sách mới để thực hiện đồng bộ
Ngoài ba tuyến metro trên, năm sau, MAUR cũng sẽ trình, phê duyệt đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM đến năm 2035. Theo quy hoạch, TP.HCM phải có khoảng 220 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới.
MAUR cho rằng để đạt mục tiêu năm 2024 cần tập trung thực hiện đầy đủ, đảm bảo chất lượng các thủ tục pháp lý và hồ sơ liên quan để việc thẩm định và phê duyệt dự án của các cấp thẩm quyền được nhanh và chính xác.
Đồng thời, MAUR cần nghiên cứu các chính sách, quy định mới có hiệu lực (như Luật PPP, Luật Đầu tư…) để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét về những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, phương án thu hút đầu tư.
MAUR cũng sẽ rà soát, chuẩn hóa quy trình thủ tục và pháp lý của các dự án đang triển khai, tăng cường công tác quản lý thực hiện hợp đồng, ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Công ty công nghệ nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới trong quản lý kỹ thuật, chú trọng giải quyết các vấn đề khiếu nại, phát sinh, tranh chấp trong quá trình thực hiện dự án.
Theo PLO