Ở các đô thị, nhà cao tầng ngày càng nhiều, nguy cơ "hỏa hoạn" luôn rình rập, song công tác phòng cháy chữa cháy tại những nơi này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vậy khi xảy ra hỏa hoạn ở khu vực nhà cao tầng bạn cần phải làm gì sẽ giúp bạn tăng cơ hội sống sót của mình qua bão lửa
Khi đến một ngôi nhà cao tầng hay khai thác sử dụng nhà tầng:
Việc đầu tiên bạn phải xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu, có thể bạn không đi bằng lối này nhưng vẫn cần phải biết. Thông thường nó nằm gần thang máy, có chỉ dẫn bằng hình vẽ, mũi tên chỉ hướng, đèn màu xanh.
Nên chú ý đến vị trí đặt phương tiện chữa cháy để sử dụng khi cần (trước đó nên tham dự một buổi học về cách sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn). Đôi khi 1 cuộn vòi chữa cháy cũng chính là dây thoát nạn.
Nên trang bị mỗi tầng hay đơn nguyên một thiết bị thoát nạn như: dây cứu nạn, thang dây, ống trượt… hay đơn giản là một cuộn dây đủ chắc. Tuy nhiên phải chú ý đến chiều dài của dây, có thể không nhất thiết phải xuống tới đất mà chỉ cần xuống đến ngay tầng dưới tầng bị sự cố, sau đó ta lại có thể xuống tiếp bằng cầu thang bộ.
Khi có cháy xảy ra trong nhà cao tầng:
Khi có cháy hãy bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất. Dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy. Nếu đám cháy sau 2 phút vẫn không dập tắt thì phải gọi 114/gạt cần báo cháy manual alarm/đập bể nút báo cháy fire break và tìm ngay lối thoát hiểm thang bộ gần nhất chạy xuống đất. Khi đi trong thang bộ phải trật tự và không chen lấn xô đẩy giẫm đạp người khác vì điều đó chỉ làm chậm luồng người thoát hiểm.
“Hãy bình tĩnh, tìm lối thoát hiểm bộ, tuyệt đối không dùng thang máy vì bạn có thể bị kẹt lại khi điện cúp. Dùng chăn, áo thấm nước choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể…”
Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bị lên mũi sẽ giúp hạn chế hít phải khí độc.
Theo thống kê thì khoảng 80% người chết trong các tòa nhà cháy không phải do cháy mà là do ngạt khói. Khi cháy thì khí độc sản sinh ra rất nhiều, nó sẽ bốc lên cao theo nguyên lý tự nhiên. Cho nên khi có cháy, việc di chuyển phải cúi người/hoặc bò thấp hơn 1 meter để tránh hít phải khói. Hãy kiếm chiếc khăn vải/thun nhúng ướt để làm mặt nạ phòng khí độc (gas-mask) bịt kín mũi và miệng.
Cách tốt nhất là ở cách tầng bị cháy 2 tầng. Ví dụ tầng 8 cháy thì chạy lên tầng 10, cháy lan lên tầng 9~10 thì chạy lên 11~12 chờ đội cứu hộ đến cứu trong trường hợp đám cháy đã phong tỏa toàn tầng đó mình không thể chạy xuống mặt đất được.
Trong quán bar/karaoke dù thấp hơn 2 tầng nhưng nguy hiểm hơn tòa nhà cao tầng do khí độc CO sinh ra từ đám cháy này cao hơn nhiều lần trong building.
*Lưu ý: khói thì bốc lên trên cao hơn 1m nhưng khí gas thì lại là đà ở cách mặt đất khoảng 10~30cm khi bị rò rỉ. Vì thế nếu bạn đang đứng trong nhà mà ngửi thấy mùi gas thì mật độ gas đã dày đặc lắm rồi, chỉ cần 1 nguồn nóng kích nhiệt là sẽ gây cháy/nổ ngay. Ngửi thấy mùi gas thì lập tức cúp cầu dao điện, mở cửa sổ và cửa chính ngay, tuyệt đối không bật đèn và làm các hành động sinh nhiệt/điện. Sau cùng mới tìm và ngắt nguồn rò rỉ.
Nếu phải mở cửa để di chuyển, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở bằng cách sờ tay vào tay nắm cửa. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở do phía bên kia cũng đang có lửa lớn và phải cẩn thận khi mở cửa ra lửa sẽ táp vào mặt. Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt do hiện tượng chênh lệch áp suất.
Trường hợp bạn đang ở trong phòng kín và không thể thoát ra ngoài được thì hãy dùng vải, giẻ ướt chặn lấy chân cửa, đập bể cửa sổ, lấy khăn vải màu sặc sỡ quẫy làm ám hiệu cầu cứu, tuyệt đối không nhảy lầu. Chỉ hơn 10 phút là có cơ hội được cứu, nhảy xuống là chết ngay trừ trường hợp nhảy theo hiệu lệnh của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã chuẩn bị sẵn nệm hơi cấp cứu phía dưới. Khi lửa táp vào phòng thì nhanh chóng leo ra bám/treo/đứng ngoài cửa sổ chờ thang cứu hộ.
* Kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy
Cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột: (không nên dùng bình chữa cháy bằng khí CO2 vì dễ gây ngộ độc).
- Đối với loại xách tay:
– Chuyển bình tới gần địa điểm cháy.
– Lắc xóc vài lần nếu là bình bột loại khí đẩy chung với bột (MFZ).
– Giật chốt hãm kẹp chì.
– Chọn đầu hướng gió, hướng loa phun vào gốc lửa.
– Giữ bình ở khoảng cách 4 đến 1,5 m tùy loại bình.
– Bóp van để bột chữa cháy phun ra.
– Khi khí yếu thì tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
- Đối với bình xe đẩy:
– Đẩy xe đến chỗ có hỏa hoạn, kéo vòi rulo dẫn bột ra, hướng lăng phun bột vào gốc lửa.
– Giật chốt an toàn (kẹp chì), kéo van chính trên miệng bình vuông góc với mặt đất.
– Cầm chặt lăng phun chọn thuận chiều gió và bóp cò, bột sẽ được phun ra.
Chú ý khi dùng bình chữa cháy:
– Cần xem hướng dẫn tính năng tác dụng của từng loại bình chữa cháy để bố trí dập các đám cháy cho phù hợp.
– Tuyệt đối không phun trực tiếp vào người nạn nhân.
– Khi phun giữ bình ở tư thế thẳng đứng. Người phải đứng ở đầu hướng gió (cháy ngoài); đứng gần cửa ra vào (cháy trong). Đứng chữa cháy theo hướng quay lưng lại với lối thoát.
– Phun đến khi lửa phải tắt hẳn mới ngưng. Sau đó dội nước lên đám cháy.
– Khi dập các đám cháy chất lỏng, phải phun bột bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn.
– Tùy thuộc vào từng đám cháy và lượng khí đẩy còn lại trong bình mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun cho phù hợp.
– Dập lửa xong, bình chữa cháy đã qua sử dụng cần để riêng tránh nhầm lẫn.
Thiên Nam Building tổng hợp và chia sẻ.