KỸ NĂNG SINH TỒN TRONG ĐÁM ĐÔNG HỖN LOẠN

KỸ NĂNG SINH TỒN TRONG ĐÁM ĐÔNG HỖN LOẠN

Trên thế giới từng xảy ra rất nhiều thảm họa chết người từ sự hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau khi tìm cách thoát khỏi đám đông. Làm thế nào để thoát khỏi đám đông hỗn loạn và sống sót là kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ai, đặc biệt là trẻ em – đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn kiến thức cần thiết để giữ được an toàn cho bản thân khi xảy ra hỗn loạn.

Các vụ chết vì giẫm đạp trong đám đông, thường có 3 nguyên nhân chính sau đây:

  1. Chết vì ngạt thở (nguyên nhân lớn nhất)
  2. Chết vì bị chèn ép quá mức, tổn thương xương và nội tạng.
  3. Chết vì bị giẫm đạp.

Người ta thường chết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít khi vì nguyên nhân ban đầu. Nhiều vụ chỉ do một tiếng pháo nổ, 1 nhóm cãi nhau, 1 tiếng hét… và biến thành nỗi sợ hãi tập thể. 

Có thể bạn chưa biết: vụ giẫm đạp kinh hoàng nhất lịch sử được ghi nhận là vào năm 66, khởi nguồn cuộc chiến đầu tiên giữa La Mã và Do Thái, do một anh lính La Mã tuột quần xì hơi  vào đám đông Do Thái đang hành hương, gây ra cuộc bạo loạn giẫm đạp khiến cho khoảng 10.000 tử vong. 

Hầu hết vì những nguyên nhân tưởng tượng chứ không phải do mối đe dọa thực tế tại thời điểm đó. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý hành vi đám đông, những khách bộ hành trên đường luôn chú ý đến những người xung quanh họ. Do vậy, khi đi bộ trên đường, chúng ta thường xuyên quan sát và tính toán xem những người khác đang di chuyển nhanh hay chậm, hướng di chuyển của họ thế nào. Khi cảm nhận rằng sẽ có khả năng xảy ra va chạm giữa ta và họ trên đường ta đi, tâm lý của ta sẽ trở nên bất an.

CÁC KỸ NĂNG THOÁT HIỂM KHỎI ĐÁM ĐÔNG HOẢNG LOẠN

Kiểm soát sự sợ hãi

Dù bạn đang rơi vào tình huống như thế nào thì nguyên tắc vàng quan trọng nhất đấy chính là sự bình tĩnh. Sợ hãi, mất kiểm soát sẽ khiến bạn không có sự minh mẫn cần thiết để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Thay vì sợ hãi thì hãy tự trấn an bản thân rằng mọi chuyện không sao cả, ở đây có đội ngũ tổ chức cùng các phương án đối phó sự cố. Bạn cũng có thể bình tĩnh quan sát và tìm ra lối đi an toàn cho bản thân mình.

Kỹ năng quan sát

Bạn không thể thực hiện kỹ năng thoát hiểm khỏi đám đông một cách hiệu quả nếu chưa quan sát kỹ càng. Đặc biệt, trong đám đông hỗn loạn thì việc quan sát lại càng khó khăn hơn nhiều.

Thực tế, việc chạy theo đoàn người đang hoảng loạn không phải là phương án hay, thậm chí bạn có thể gặp nguy hiểm cùng những người khác.

Theo đó, những thứ bạn nên quan sát trong lúc này như sau:

Định vị các vị trí quan trọng bao gồm cửa thoát hiểm, lối ra, đặc biệt là các lối có ít người chen lấn…

Quan sát vị trí của nhân viên cứu hộ, cứu nạn và chỉ dẫn của họ.

Sau khi đã định vị được vị trí thì bạn hãy tìm cách di chuyển từ từ tới đó.

thiennamgroup.vn-dam-dong

Cách di chuyển an toàn

Để thoát hiểm đám đông an toàn không phải điều đơn giản, nếu di chuyển không đúng cách bạn hoàn toàn có thể sẽ phải chịu áp lực lớn từ bão người, thậm chí là bị ngã và dẫm đạp dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng.

Theo đó, kỹ năng di chuyển thoát hiểm bạn cần ghi nhớ như sau:

  • Tuyệt đối không đi ngược chiều đám đông.
  • Di chuyển theo hướng chéo hoặc ngang so với đám đông để giảm bớt áp lực khi bị xô đẩy.
  • Nếu bị ngã thì hãy đứng dậy ngay lập tức.
  • Nếu đang trong dòng người thì tuyệt đối không đứng im hoặc ngồi thụp xuống, nó sẽ khiến bạn bị xô ngã và dẫm lên.
  • Cố gắng len lỏi vào những vị trí khoảng hở giữa đám đông.
  • Trong lúc di chuyển hãy đặt 2 tay ở trước ngực để bảo vệ.

Việc di chuyển ngược chiều đám đông bạn sẽ phải chịu lực tác động của rất nhiều người hợp lại. Trong khi chỉ cần từ 6 – 7 người cùng đẩy về 1 hướng thì đã có thể tạo ra lực lên tới 500kg, sẵn sàng bẻ cong một thanh sắt.

Chính vì vậy, nếu cố gắng di chuyển ngược chiều, bạn sẽ có thể bị gãy xương sườn, tổn thương nội tạng.

Kỹ năng thoát hiểm và bảo vệ người thân

Trong trường hợp bạn đi cùng người thân hoặc trẻ nhỏ mà gặp phải sự cố thì hãy cố gắng bảo vệ, đi sát nhau để tránh bị thất lạc nhé.

Đối với người lớn thì nên đi sát nhau theo đám đông. Nếu bị lạc thì hãy cố gắng di chuyển tới vị trí an toàn rồi liên lạc với nhau.

Nếu dẫn theo trẻ em thì bạn hãy nên bế em nhỏ lên vai hoặc ngực để đảm bảo trẻ không bị nghẹt thở hay chịu tác động từ đám đông.

Nên chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia các hoạt động đông người

Trong nhiều năm gần đây các tình trạng đám đông xô đẩy, bạo loạn gây tổn thương sức khỏe, tính mạng của người tham gia không còn quá hiếm gặp.

Điều này bên cạnh kỹ năng thoát hiểm khỏi đám đông chưa được trang bị kỹ càng, đội ngũ sơ tán, cứu trợ chưa tốt thì chính người tham gia cũng đang thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết.

Vậy, trước khi quyết định tham gia một sự kiện nào đó có đông người thì bạn hãy nên tìm hiểu những yếu tố sau:

  • Địa điểm tổ chức, độ an toàn cũng như an ninh, cứu hộ tại đây.
  • Vị trí diễn ra sự kiện là ở trong nhà hay ngoài trời để định hướng khả năng thoát hiểm.
  • Để ý, xác định vị trí cửa thoát hiểm, lối ra cũng như đội ngũ bảo vệ, cứu hộ để nhanh chóng thoát nạn an toàn khi xảy ra sự cố.
  • Không nên mang theo trẻ em hoặc vật dụng sắc nhọn có thể gây nguy hiểm tới người khác khi chen lấn, xô đẩy.
  • Mang theo thiết bị liên lạc như điện thoại để tìm kiếm trợ giúp và thông báo cho người thân yên tâm.
  • Chuẩn bị tinh thần vững chãi, tuyệt đối bình tĩnh dù xảy ra chuyện gì để có hướng giải quyết tốt nhất.
  • Nắm vững các kỹ năng thoát hiểm đám đông an toàn để vận dụng.

Bạn cần phải nắm vững và bình tĩnh áp dụng những kỹ năng thoát hiểm khỏi đám đông thì bạn sẽ giữ được an toàn cho bản thân cũng như người thân dù xảy ra bạo loạn hay xô đẩy mất kiểm soát.