Hàng loạt “ông lớn” đầu tư tỷ đô vào Bà Rịa – Vũng Tàu

Hàng loạt “ông lớn” đầu tư tỷ đô vào Bà Rịa – Vũng Tàu

Nhiều "ông lớn" như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Úc), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc)... đang đổ nhiều tỷ đô vào Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 30/3, Hội nghị triển khai quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được tổ chức tại Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh đã trao nhiều giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Screenshot_2
Trước thềm Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gặp gỡ Phó Chủ tịch Tập đoàn Hosung.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư, ba tháng đầu năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút được hơn 62.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Như vậy, đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút hơn 33 tỷ USD vốn FDI (của gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ) và gần 400.000 tỷ đồng vốn trong nước. Nguồn lực này đã góp phần đưa chỉ số GRDP/người luôn đứng đầu cả nước.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, cho biết hiện nay có nhiều tập đoàn, công ty có thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã đặt chân đến Bà Rịa-Vũng Tàu như: Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Úc), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Hòa Phát (Việt Nam), Tập đoàn Vard (Na Uy), Tập đoàn SMC (Việt Nam), Tập đoàn Hoa Sen (Việt Nam), Công ty Cổ phần Dịch Vụ Cà Phê Cao Nguyên (thương hiệu cà phê Highlands)…

Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung phát triển mạnh nhiều ngành như: cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hoá dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hoá dầu, công nghiệp năng lượng, công nghiệp vật liệu, công nghiệp dược, thiết bị y tế; công nghiệp môi trường…

Screenshot_1
Thị xã Phú Mỹ là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển bốn nhóm ngành kinh tế trụ cột: Công nghiệp, cảng biển-logistics, du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Tỉnh cũng xác định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án xanh, sử dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính với mục tiêu tạo ra môi trường, hệ sinh thái kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài”, ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, 33 năm qua, Bà Rịa –Vũng Tàu luôn là địa phương kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường cải cách hành chính… để thu hút nhà đầu tư.

Screenshot_3
Giai đoạn này tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) tiếp tục đầu tư thêm dự án vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay Vũng Tàu đã trở thành tỉnh tăng trưởng quan trọng, thu ngân sách luôn nằm trong Top 5 GRDP/người đứng đầu cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Tỉnh luôn mong muốn hợp tác, cùng phát triển với các nhà đầu tư và luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị định vị vai trò quan trọng của vùng Đông Nam bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu. Quy hoạch tỉnh là định hướng hết sức quan trọng, là cơ hội quý để kiến tạo không gian phát triển đồng bộ, hiệu quả. Tháo gỡ những điểm nghẽn, làm mới những động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực phát triển mới, tăng thu hút đầu tư”, ông Thọ nói.

Được biết, giai đoạn này Bà Rịa –Vũng Tàu tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn. Trong đó, tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) vừa đầu tư 730 triệu USD cho dự án sản xuất Bia-based tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Hyosung đã và sẽ đầu tư 3 dự án lớn vào Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng số vốn hơn 2,3 tỷ USD.

Địa phương còn thu hút đầu tư dự án nhà máy hóa chất của Tosoh Corporation Nhật Bản với tổng vốn 176 triệu USD, công suất thiết kế khoảng 100.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có thêm nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam (thuộc Tập đoàn BOE Bắc Kinh, Trung Quốc) được cấp phép với tổng vốn 277,5 triệu USD…

Screenshot_4
Khu công nghiệp Châu Đức đang có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (chủ đầu tư tổ hợp hóa dầu Long Sơn ở thành phố  Vũng Tàu), cho biết hiện nay doanh nghiệp có gần 1.000 nhân sự làm việc, trong đó 80% là người Việt Nam. Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin (nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm nhựa) tạo ra doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD/năm và sẽ đóng thuế cho Bà Rịa –Vũng Tàu khoảng 150 triệu USD/năm.

Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần này, lãnh đạo tỉnh này cũng trao quyết định, giấy chứng nhận đầu tư, tăng vốn đầu tư cho 14 dự án.

Theo báo Giao Thông