Giá thép trong nước tăng cao đột biến, khó dự đoán

Giá thép trong nước tăng cao đột biến, khó dự đoán

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong vài tháng trở lại đây, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao bất thường và liên tục thiết lập mốc giá mới.

Đơn cử như giá thép phế nhập khẩu tăng khoảng 37 USD/tấn, giá phôi thép tăng khoảng 44 USD/tấn… hay giá thép cuộn cán nóng HRC tăng khoảng 66 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 11/2020. Tuy nhiên, đến ngày 8/12, giá chào HRC đã lên mức 700 USD/tấn. Điều này đã kéo theo giá thép xây dựng trong nước tăng nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và sự ổn định kinh tế – xã hội.

Khảo sát tại các đại lý kinh doanh sắt, thép ở Hà Nội, thời gian này, các mặt hàng sắt thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá, thậm chí 2 – 3 ngày lại tăng một lần.

“Thép cuối năm nay lên giá nhiều. Giá lên đột biến nên khó bán. Khách người ta kêu nhiều, đang mười mấy nghìn lên 20.000”, ông Trần Quốc Hải, chủ một đại lý sắt thép cho biết.

Các mặt hàng sắt thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá.

Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước, trị giá 1,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Một số chuyên gia cho rằng, chính việc xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần khiến giá thép tăng cao đột biến và trở nên khó dự đoán.

“Lợi thế từ việc xuất khẩu sang EU, cũng như Trung Quốc khiến thép xuất khẩu tăng, do đó làm tăng tổng cầu và giá thép trong nước. Riêng với Trung Quốc, họ có xu hướng gia tăng nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam, xuất phát một phần do đại dịch và từ chiến lược tái cơ cấu, dẹp bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường”, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho biết.

Việc xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần khiến giá thép tăng cao đột biến

Thực tế, một số doanh nghiệp xây dựng trong nước còn gặp tình trạng thiếu hụt nhiều loại thép, như thép có đường kính 16mm, 25mm, tác động trực tiếp đến kế hoạch, tiến độ của nhà thầu.

Theo một số doanh nghiệp, giá các loại thép cây, thép ống đã tăng khoảng 25% so với thời điểm quý III năm nay, dẫn đến chi phí, giá thành xây dựng cũng tăng theo.

Tuy nhiên theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tình trạng giá thép tăng đột biến chịu tác động tất yếu từ giá nguyên liệu thế giới, dự kiến đến hết hết quý I/2021, khi giá quặng sắt hạ nhiệt, giá nguyên liệu đầu vào giảm, sẽ giúp giá thép và nguồn cung trong nước sớm ổn định.

Theo VTV