Theo Hiệp hội Thép Việt Nam và cập nhật giá thép thế giới, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao bất thường, từ cuối năm 2020 và liên tục thiết lập mốc giá mới.
Giá quặng sắt nhập khẩu và giá thép phế liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng sắt thép thành phẩm thời điểm từ khoảng tháng 9/2020 đến nay đã tăng khoảng trên 30% so với thời điểm đầu năm 2020.
Trong khi đó, giá thép phế liệu nội địa cũng tăng từ 7.500 đồng/kg hồi tháng 1 lên 9.500 đồng/kg, tăng 26,6%.
Các loại nguyên liệu sản xuất thép có giá cao đã dẫn đến giá thép cuộn cán nóng HRC liên tục tăng cao từ tháng 8 và đạt đỉnh vào thời điểm cuối tháng 12 ở mức trên 700 USD/tấn.
Còn thép xây dựng thành phẩm trong nước có giá bình quân khoảng 12.000 – 12.500 đồng/kg thời điểm đầu tháng 12/2020 đến nay, tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
Thực tế, giá thép xây dựng trong nước tăng nhanh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp phân phối và xây dựng, tiêu thụ thép.
Giá thép tăng cao bất thường do nguồn cung khan hiếm
Khảo sát tại các đại lý bán lẻ mặt hàng sắt, thép xây dựng tại Hà Nội, thời gian này, các mặt hàng sắt thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá.
Theo chủ các đại lý, việc tăng giá thép cuối năm mang tính chu kỳ, tuy nhiên, năm nay giá thép có yếu tố bất thường hơn, do lượng thép thành phẩm nhập khẩu khó, thép trong nước sản xuất không đủ cung.
“Nói chung cuối năm nay, giá thép lên nhiều, tăng đột biến, bán khó, khách người ta kêu. Giá thép từ mười mấy nghìn, giờ lên 20.000, thành ra nó cao quá, khó bán”, ông Trần Quốc Hải, tiểu thương bán lẻ thép xây dựng, cho biết.
Đối với doanh nghiệp xây dựng, các loại thép cây, thép ống đã tăng giá từ 20 – 25% kể từ tháng 9/2020. Giá thép tăng cao cộng với nguồn cung khan hiếm khiến tiến độ xây dựng các dự án bị chậm, giá thành xây dựng cao ngoài dự tính, hiệu quả xây dựng của nhà thầu giảm.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, dù thị trường trong nước khan hiếm, nhưng xuất khẩu phôi thép và thép thành phẩm của Việt Nam lại tăng mạnh so với năm ngoái cho thấy sự mất cân đối trong ưu tiên thị trường xuất khẩu so với thị trường trong nước.
“Điểm đáng chú ý ở đây là gần như Việt Nam không nhập khẩu phôi thép, mà chúng ta chủ yếu chuyển sang xuất khẩu phôi thép, với năng lực của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chúng ta đã xuất khẩu 5,5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng mạnh 48% so với cùng thời điểm năm 2019”, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan, cho hay.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia xây dựng, một trong những nguyên nhân khiến lượng thép thiếu hụt là do việc xây dựng ồ ạt trong 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, công nghệ và phương thức xây dựng truyền thống sẽ khiến nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải.
Giải pháp cho tình trạng giá thép xây dựng tăng cao cuối năm
Trao đổi với đại diện Công ty Thép Hòa Phát, đơn vị cung ứng khoảng 26% thép xây dựng ra thị trường. Đơn vị này thừa nhận các nhà máy đã làm việc hết công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ hết các đơn hàng thép thời điểm cuối năm và đầu năm mới. Tuy nhiên, những thiếu hụt này sẽ tháo gỡ được, thị trường thép trong nước đủ khả năng cung ứng đủ cho nhu cầu xây dựng nội địa.
Năm 2019, công suất sản xuất thép cán xây dựng như đăng ký đầu tư của tất cả các nhà máy thép đạt khoảng 17,3 triệu tấn, trong khi sản lượng thép thành phẩm trong nước hiện chỉ đạt trên 10 triệu tấn.
Theo chuyên gia về kết cấu thép, vấn đề cốt lõi là ở Việt Nam, hơn 90% là công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép, chủ yếu sử dụng thép thanh. Loại thép này dù trong nước đã sản xuất được nhưng số lượng còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Bên cạnh đó, công nghệ và phương thức xây dựng truyền thống tốn nhiều thép hơn, ví dụ như thép sử dụng trong công trình xây dựng trên 10 tầng nếu dùng bê tông cốt thép sẽ nặng hơn 1,2 -1,5 lần so với phương pháp sử dụng kết cấu thép.
“Nó bị mất cân bằng vì chúng ta quá tập trung vào phương thức xây dựng truyền thống là dùng bê tông cốt thép, mà bị lãng quên một lượng lớn các công trình lớn ở các nước phát triển sử dụng đó là kết cấu thép”, TS. KTS, Nguyễn Việt Huy, chuyên gia kết cấu thép, Giảng viên Đại học Xây dựng, cho biết.
Theo ông Huy, phía các nhà thầu xây dựng cần thay đổi công nghệ xây dựng, đồng bộ hóa để giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình bê tông cốt thép thay thế bằng công nghệ xây dựng khô. Còn từ góc độ cung cầu, chuyên gia kinh tế cho rằng cần điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng để ưu tiên thị trường trong nước hơn.
“Để điều chỉnh giá sắt thép trong dịp cuối năm không tăng quá cao, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế xã hội, chi phí đầu vào cũng như mặt bằng giá cả chung trong nước, tôi cho rằng Chính phủ nên có sự linh hoạt hơn, theo hướng sử dụng linh hoạt các loại thuế để giảm thiểu lượng xuất, đồng thời đảm bảo chi phí đầu vào giảm cho doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định.
Mặc dù thép trong nước đang tạm thời thiếu hụt, tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước tự chủ động sản xuất phôi thép, tăng xuất khẩu phôi thép, thép thành phẩm và đang ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa nhập khẩu, xuất khẩu sắt thép thành phẩm; từ 7,68 triệu tấn năm 2019 còn khoảng 3,53 triệu tấn năm 2020. Với đà phát triển này, Tổng cục Hải quan cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng xuất siêu các mặt hàng thép.
Theo VTV