Nhu cầu nguyên liệu thép của Trung Quốc tăng nhanh đã đẩy giá thép phế liệu thế giới tăng mạnh trong thời gian qua. Trong vòng hơn 9 tháng qua, giá thép phế đã tăng gần gấp đôi.
Giá thép phế của Nhật Bản cũng tăng mạnh. Theo đó, các nhà máy thép Nhật đã nâng giá thu mua phế liệu thép 7 lần chỉ trong 17 ngày qua do nguồn cung trong nước eo hẹp. Nhà máy thép Tahara đã tăng giá thu mua thêm 1.000 JPY (9,69 USD)/tấn lên 41.500 – 42.500 JPYY/tấn, còn nhà máy Okayama tăng 1.500 JPY lên 40.500 JPY/tấn trong tuần tới 18/12.
Tương tự, các nhà máy máy thép Kyushu và Utsunomiya cũng nâng giá thu mua phế liệu thêm 1.500 JPY/tấn lên 38.000 JPY/tấn, còn nhà máy Takamatsu nâng thêm 2.000 JPY lên 37.500 JPY/tấn.
Thông tin từ các nhà máy thép Hàn Quốc cho biết họ đang mua phế liệu Shindachi với giá 47.000 JPY/tấn (cfr) và phế liệu HS ở mức giá 46.000 JPY/tấn.
Xu hướng giá thép phế liệu của Trung Quốc song song với đà tăng giá phế liệu toàn cầu. Chỉ số giá thép phế liệu của Mysteel đã tăng lên mức cao nhất kể từ 1/4/2013 sau 7 tuần tăng liên tiếp giữa bối cảnh nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và giá thép thành phẩm cũng như các nguyên liệu chính trong sản xuất thép đều tăng.
Theo đó, tại thị trường Trung Quốc ngày 11/12, giá chạm 2.750,5 CNY (420,6 USD)/tấn (đã cộng 13% VAT).
Các nhà máy thép Trung Quốc đã tích cực thu mua phế liệu để tăng lượng dự trữ lên một mức nhất định, đủ dùng trong những tháng mùa Đông.
Dự trữ thép phế liệu tại 61 nhà sản xuất lò cao và lò điện-hồ quang của Trung Quốc đã tăng trong tuần thứ sáu liên tiếp, tuần kết thúc vào 10/12 thêm 36.600 tấn so với tuần trước đó, tương đương 1,1%, lên 3,3 triệu tấn, đủ dùng cho cho 13 ngày, theo kết quả khảo sát của Mysteel.
Dữ liệu của Mysteel cho thấy, giá thép Q235 4,75mm HRC của Trung Quốc đã tăng liên tiếp 8 tuần, thêm 278 CNY/tấn trong tuần thứ 2 của tháng 12, lên 4.494 CNY/tấn (đã bao gồm 13% VAT).
Tại Việt Nam, giá thép phế cũng đang tăng nhanh. Theo đó, trong tuần tới 18/12, giá chào bán phế liệu H2 của Nhật ở mức 450 – 460 USD/tấn, cfr Việt Nam, tăng 40 USD/tấn so với tuần trước đó; giá giao dịch chỉ thấp hơn chút ít, là 450 – 455 USD/tấn. Một số khách hàng muốn mua với giá 420 – 430 USD/tấn, nhưng các nguồn tin cho hay, ở mức chào mua đó thì khó có hợp đồng nào được ký kết.
Phế liệu HS của Nhật theo hợp đồng lớn đang được chào giá 485 – 490 USD/tấn, cfr, trong khi loại HMS 1 & 2 (80:20) xuất xứ Đông Nam Á được chào giá 450 USD/tấn cfr Việt Nam; H1 & H2 xuất xứ Hồng Kông (50:50) được chào giá 442 USD/tấn, cfr Việt Nam.
Thép phế HMS 1 & 2 (80:20) khối lượng lớn của Bờ Tây Mỹ chào bán cho Việt Nam là 460 – 470 USD/tấn, cfr Việt Nam, cũng tăng 20 – 30 USD/tấn so với tuần trước.
Tuy nhiên, các nhà máy thép Việt Nam nhìn chung không theo đuổi giá tăng, nên hầu như không có hồ sơ dự thầu nào trong tuần này. Trái lại, các nhà sản xuất phôi thép Việt Nam đang cạnh tranh với các nhà máy phôi thép Trung Quốc để cung cấp hàng xuaatsa khẩu cho các khách hàng trong khu vực.
Giá phế liệu thép trong nước của Việt Nam hiện ở mức 8.200 đồng/kg (345,14 USD/tấn) đối với loại 3mm, tương đượng loại H2; trong khi phế liệu chất lượng cao (busheling scrap) giá 8.800 đồng/kg.
Tham khảo: Fastmarkets, Mysteel, Aisusteel.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị