Trong vòng 4 ngày, mỗi tấn thép sản xuất trong nước tăng hơn 700.000 đồng và hiện đắt thêm gần 2 triệu đồng so với đầu tháng 3.
Theo khảo sát của VnExpress, hiện thép cuộn D6, D8 CB240 của Hoà Phát đang ở mức 15,89 triệu đồng một tấn, thép cây vằn D10 CB300 là 16,08 triệu đồng một tấn. Các mức giá này tăng 300.000-310.000 đồng một tấn so với đầu tuần này.
Tuy nhiên, trong thông báo mới gửi tới đại lý, khách hàng, thép Hoà Phát cho biết do giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá thép cây và cuộn xây dựng sẽ tăng thêm 400.000 đồng mỗi tấn tại thị trường miền Bắc. Với quyết định điều chỉnh giá bán từ 17/4, mỗi tấn thép cuộn, thép cây của Hoà Phát tại thị trường miền Bắc tăng lên mức 16,19-16,38 triệu đồng một tấn. Tổng cộng mỗi tấn thép của doanh nghiệp này đắt thêm 700.000 đồng một tấn trong vòng 4 ngày (14-17/4).
Hai loại thép cuộn D6, D8 CB240 và D10 CB300 của thép Việt Đức đều đã vượt 16 triệu đồng một tấn, lần lượt là 16,14 triệu và 16,02 triệu đồng một tấn.
Công ty Gang thép Thái Nguyên sau khi điều chỉnh giá ngày 14/4, hiện giá 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép cây D10 CB300 đứng ở mức 16,8 triệu đồng và 16,24 triệu đồng một tấn. Còn thép cuộn CB240 của thép Việt Ý đang có giá 16,04 triệu đồng một tấn, thép D10 CB300 là 15,99 triệu đồng một tấn.
Tại miền Nam, ngày 17/4, giá thép cuộn D6, D8 CB240 đã vượt 17 triệu đồng một tấn. Cụ thể, giá thép loại này của Hòa Phát, Tungho được các doanh nghiệp báo giá ở mức 17 triệu đồng một tấn. Vina Kyeoi và thép miền Nam lần lượt là 17,2 và 17,3 triệu đồng một tấn. Thép cây vằn D12 CB400 trong khoảng 16,2-16,5 triệu đồng một tấn. So với cách đây 4 ngày, thép cây D10, D12 được các doanh nghiệp tăng gần một triệu đồng một tấn.
Trong khi đó, nếu so với đầu tháng 3, mỗi tấn thép trong nước hiện đã đắt thêm gần 2 triệu đồng một tấn và tăng khoảng 4 triệu so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá thép liên tục leo thang thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng thép để sản xuất, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn. Trong khi các đại lý bán hàng trong cảnh “bán cầm chừng để chờ nghe ngóng giá”. Họ không dám xuất kho lượng lớn vì có thể vừa xuất hàng là lại có thông báo tăng từ nhà máy.
Báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 3 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý 3 năm nay trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá quặng sắt, than mỡ luyện cốc, thép phế liệu, cuộn cán nóng HRC… đều đã tăng giá mạnh so với hồi cuối năm 2020. Cụ thể, giá HRC ngày 6/4 ở mức 795 USD một tấn, tăng 85 USD mỗi tấn so với đầu tháng 3. Giá quặng sắt quanh mức 171 USD một tấn, thép phế liệu khoảng 442 USD mỗi tấn… “Diễn biến này khiến giá thép trong nước tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, theo VSA.
Cùng với đà tăng giá, các doanh nghiệp ngành thép cũng ghi nhận sản lượng sản xuất và bán hàng tăng trong quý I năm nay. Theo số liệu của VSA, sản xuất thép các loại trong tháng 3 đạt 2,96 triệu tấn, tăng gần 44% so với tháng 2 và tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng hàng bán trong nước đạt 2,88 triệu tấn, tăng gần 40% so với năm ngoái.
Tính chung quý I, sản xuất thép các loại tăng 33,8%, đạt 7,66 triệu tấn; bán hàng đạt 6,78 triệu tấn tăng gần 35% so với cùng kỳ 2020. Lượng thép xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận tăng tới 59,5% trong 3 tháng đầu năm, mức 1,63 triệu tấn.
Theo Vnexpress