Bài toán năng lượng của EU đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi các nhà máy sản xuất thép đang phải trả chi phí đắt đỏ, thậm chí 1 tháng bằng với cả năm cộng lại. Các nhà máy phải cắt giảm sản lượng và nhân công, khiến bức tranh ngành thép tại châu Âu trở nên u ám hơn bao giờ hết.
Chi phí năng lượng tăng cao kỉ lục
Chi phí năng lượng tăng cao tại châu Âu đang đe dọa đến hàng loạt nhà máy thép và các ngành công nghiệp khác tại khối này. Một số cảnh báo đã được đưa ra đối với ngành thép – lĩnh vực đang sử dụng hơn 300.000 nhân công và đóng góp vào hàng chục tỷ euro cho nền kinh tế.
Ngay cả với bốn tuabin gió và hơn 50.000 tấm pin mặt trời tại địa điểm của họ đặt tại miền đông Bỉ, nhà sản xuất thép không gỉ Aperam đã buộc phải tạm dừng sản xuất do giá năng lượng tăng cao. Công ty cho biết họ đang phải trả chi phí năng lượng trong 1 tháng bằng với số tiền mà họ phải trả trong một năm và đã phải ngừng hoạt động một cơ sở nấu chảy phế liệu thép không gỉ và cắt giảm lượng lớn nhân công.
Giám đốc của Aperam, ông Bernard Hallemans, nói với Reuters rằng: “Chúng tôi luôn có các kế hoạch dự phòng để vượt qua mỗi thời kỳ khó khăn nhưng chúng tôi không thể kéo dài trong nhiều năm. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự phi công nghiệp hóa đối với các lĩnh vực sản xuất, và chúng ta sẽ trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu.”
Vào mùa hè, giới hạn sản lượng của các nhà máy là khoảng 80% công suất, tuy nhiên ông Hallemans cho biết con số này chỉ ở mức 50% kể từ cuối tháng 6 – sau khi Nga đột ngột cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, khiến giá năng lượng tăng cao hơn bao giờ hết.
Ông Hallemans nói rằng châu Âu phải có biện pháp tức thời để ngăn ngành công nghiệp này rơi vào suy thoái. Theo báo cáo của McKinsey năm ngoái, thép đóng góp khoảng 83 tỷ euro (tương đương 80,97 tỷ USD) giá trị gia tăng trực tiếp cho nền kinh tế khu vực và tạo công ăn việc làm cho 330.000 lao động.
Mùa đông của ngành thép châu Âu
Tại Đức, quốc gia phần lớn phụ thuộc vào khí đốt của Nga để cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu, ngành thép của họ đang phải đối mặt với chi phí năng lượng phụ trội lên tới 10 tỷ euro, tương đương với khoảng 1/4 doanh thu trung bình hàng năm của ngành, cùng với chi phí bổ sung cho quá trình chuyển đổi xanh của EU.
Chủ tịch liên đoàn thép WV Stahl, ông Hans Juergen Kerkhoff, cho biết: “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, một mùa đông phi công nghiệp hóa đang đe dọa chúng ta ở Đức.”
Tập đoàn thép ThyssenKrupp Steel Europe đã cắt giảm sản xuất ở đó, với việc khách hàng do dự khi đối mặt với suy thoái kinh tế đang nổi lên và giá năng lượng thách thức khả năng cạnh tranh quốc tế của nó.
ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, cũng đã ngừng hoạt động một lò cao ở Đức, cùng với các lò cao khác ở Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha, và dự báo sản lượng trong quý IV của châu Âu sẽ thấp hơn khoảng 17% so với cùng kì năm trước.
Ông Adolfo Aiello, Phó giám đốc của liên đoàn thép châu Âu Eurofer, nói rằng nếu cuộc khủng hoảng năng lượng không được giải quyết trong thời gian ngắn, tình trạng ngừng sản xuất tạm thời có thể trở nên lâu dài hơn, thậm chí lan ra cả các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng khác như kim loại, phân bón và hóa chất khác. Giám đốc nghiên cứu kinh tế Alessandro Sciamarelli cho biết mức suy giảm năm 2022 sẽ sâu hơn dự báo hiện tại, với mức giảm cũng được thấy vào năm 2023.
Nhìn vào 2 tháng vừa qua, bức tranh ngành thép đang dần trở nên u ám. Hơn 1.200 nhân viên tại nhà máy Genk của Aperam có nguy cơ thất nghiệp tạm thời, với mức lương đã bị cắt giảm đến 20% khi lạm phát chạm ngưỡng 10%. Nhà máy đã phải ngừng hoạt động tạm thời trước đó, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Giám đốc sản xuất Yves Dufrane cho biết: “Ngày nay không ai có thể biết chắc chắn giá năng lượng sẽ đi về đâu, khách hàng sẽ phản ứng thế nào hay liệu chúng tôi có thể thanh toán các hóa đơn đó. Nhưng nhìn chung tôi nghĩ tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn những gì đã trải qua vào năm 2009.”
Cơ hội cho các nhà xuất khẩu châu Á
Theo thống kê từ EU, nhập khẩu của châu Âu, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á – nơi có giá năng lượng dễ chịu hơn đã tăng từ mức 20 – 25% vào năm 2020 -2021 lên mức 40% trong năm nay và đạt đỉnh khoảng 50% trong những tuần qua.
Ủy ban châu Âu EC cho biết các biện pháp phòng vệ thương mại của EU đã bảo vệ 195.000 việc làm trong ngành thép vào năm 2021, mặc dù các nhà phê bình cho rằng chênh lệch chi phí năng lượng hiện đã cao đến mức hàng nhập khẩu có thể rẻ hơn ngay cả khi có thêm thuế bảo hộ.
Các chuyên gia cho rằng, lệnh cấm vận nhập nhẩu dầu của Nga có hiệu lực từ tháng 12 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện trong khu vực. EU sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để có thể tìm kiếm được năng lượng thay thế, bởi vậy các nguồn cung thép rẻ hơn ở châu Á sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi nhu cầu phục hồi.
Đối với Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, nếu như tại thời điểm tháng 6/2020, xuất khẩu thép sang thị trường EU chỉ chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thép thì con số này sau 2 năm đã tăng lên 20,51%, tương ứng với tăng hơn 6 lần. Theo VSA, thị trường EU hiện chiếm gần 18% tổng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước, chỉ sau thị trường tại khu vực các nước ASEAN và Mỹ.
Các dự báo cũng cho thấy giá thép đang có dấu hiệu phục hồi khi nhu cầu tích trữ tăng lên và các nhà máy thép tại Trung Quốc đang dần khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Theo CafeF