2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,76 tỷ USD sắt thép các loại, tăng 43,8% tương ứng tăng 842 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, còn ước tính hết quý I/2024, mức nhập khẩu vượt 4 tỷ USD.
Sắt thép là một trong những nhóm hàng có mức chi nhập khẩu cao trong những tháng đầu năm 2024.
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 02/2024, cả nước đã nhập khẩu 1,16 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm sắt thép, giảm 27,8% tương ứng giảm 447 triệu USD so với tháng trước.
Lũy kế 2 tháng/2024, cả nước đã nhập khẩu 2,76 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 43,8% tương ứng tăng 842 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu đến 15/3, chi nhập sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép đã vọt lên gần 3,6 tỷ USD, ước hết quý I sẽ vượt 4 tỷ USD.
Riêng lượng sắt thép các loại nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 2,65 triệu tấn với trị giá là 1,88 tỷ USD, tăng 85,4% về lượng và tăng 57% về trị giá so với 2 tháng/2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ thị trường Trung Quốc với trị giá đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% tương ứng tăng 818 triệu USD so cùng kỳ và chiếm 62% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước.
Với riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), Việt Nam đã nhập 1,8 triệu tấn với trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng, tương ứng 1,4 triệu tấn.
Theo phản ánh nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam, xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là thép từ Trung Quốc, điều này đe dọa sản xuất trong nước.
Điều đáng ngại là giá thép xuất khẩu của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Trước sức ép từ thép nhập khẩu, doanh nghiệp lo ngại hoặc chần chừ trong việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Trung Quốc đang gia tăng xuất khẩu thép ra bên ngoài khi tiêu thụ trong nước suy yếu. Động thái này của quốc gia sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới đang khiến nhiều nước lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu 15,9 triệu tấn thép, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Do thị trường bất động sản khó khăn, nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước khác phục hồi chậm dẫn đến dư cung thép.
Dự báo, năm 2024, Trung Quốc có thể xuất khẩu trên 90 triệu tấn thép, mức cao nhất trong 7 năm, cao hơn nhiều so với con số xuất khẩu gần 80 triệu tấn của năm ngoái.
Khi bất động sản khó khăn, tăng trưởng dựa vào thâm dụng đầu tư xây dựng hạ tầng gặp khó nên nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu thép ra nước ngoài. Trung Quốc chiếm hơn 1/2 sản thép của thế giới nên chỉ cần thay đổi chiến lược tăng xuất khẩu ra nước ngoài cũng gây nhiều áp lực lên các nước khác, trong đó có Việt Nam.