Đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong những thập kỷ gần đây. 53% tổng vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) nhận được trong giai đoạn 2010-2017 được dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Việt Nam đã chú trọng đầu tư phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống đường bộ, sân bay và cảng biển.
Đầu tư từ khu vực công và tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đạt 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và cao thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc (6,8% GDP). Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng một mặt đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư; mặt khác, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam cũng là động lực mạnh mẽ để phát triển giao thông và tiện ích. Ước tính với 50% dân số hiện đang sinh sống ở các thành phố lớn, sự gia tăng dân số đã vượt quá khả năng cung ứng của các hệ thống kết nối và tiện ích hiện có.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch chi 43-65 tỷ đô la Mỹ để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không trong giai đoạn 2021-2030. Chính phủ cũng đã ban hành Luật đối tác công tư (PPP) mới, có hiệu lực từ ngày 29/3/2021, để hỗ trợ và điều chỉnh đầu tư tư nhân nhằm tăng quy mô nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, điện lưới và nhà máy điện. Động thái này nhằm thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn để giảm gánh nặng cho các khoản nợ công và chính sách tài khoá của quốc gia.
Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới,Việt Nam xếp thứ 77/141 về chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể, thứ 66 về cơ sở hạ tầng giao thông và thứ 87 về cơ sở hạ tầng tiện ích.
Xếp hạng Cơ sở hạ tầng Việt Nam, 2019
Nguồn: Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu – Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019
1. Giao thông
Giao thông ở Việt Nam đã và đang được cải thiện nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Ngành giao thông vận tải của Việt Nam bao gồm đầy đủ các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, vận tải biển và đường biển, đường hàng không. Trong vận tải hành khách, đường bộ và đường thủy nội địa đang chiếm ưu thế. Trong vận tải hàng hóa, Việt Nam chủ yếu dựa vào đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển. Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các phương thức vận tải trên phạm vi cả nước.
Lưu lượng vận tải theo từng phân ngành, 2017
Nguồn: Bộ Giao thông vận tải
1.1 Đường bộ
Hệ thống đường bộ Việt Nam hiện có tổng chiều dài 570.448 km, trong đó quốc lộ chiếm 24.136 km; đường cao tốc chiếm 816 km; đường tỉnh chiếm 25.741 km; đường huyện chiếm 58.347 km; đường đô thị 26,953 km; đường xã 144.670 km; đường thôn xóm 181.188 km; và đường nội đồng 108.597 km. Vận tải đường bộ được coi là xương sống của ngành vận tải và chuỗi cung ứng (logistics) của đất nước. Mạng lưới đường giao thông hiện nay tương đối phát triển; tuy nhiên, do tình trạng ùn tắc và thiếu an toàn, tốc độ trung bình trên các tuyến quốc lộ chỉ đạt 50 km/h.
Phương tiện đi lại phổ biến nhất của người Việt Nam là xe máy, chiếm 85% tổng số phương tiện giao thông trên khắp đất nước. Năm 2019, cả nước có 61,3 triệu xe máy, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy lớn thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia Ô tô cũng rất phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố; tính đến năm 2021, có 4,5 triệu xe ô tô đang lưu hành. Theo Nikkei Asia, năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu về doanh số bán ô tô tại khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh phương tiện cá nhân, mạng lưới dịch vụ xe buýt trợ giá được phủ rộng khắp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Hà Nội để phục vụ hành khách trong nội thành. Ở tất cả các thành phố lớn, các dịch vụ xe ô tô tư nhân, xe máy ôm rất phổ biến dưới hình thức hoạt động truyền thống hoặc công nghệ (ví dụ: Grab, Gojek, Be). Ngoài ra, sau hơn 10 năm xây dựng, Việt Nam đã khai trương tuyến tàu điện cao tốc đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2021 và tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM dự kiến khai trương vào năm 2023. Theo kế hoạch sẽ có 8 tuyến tàu điện tại TP.HCM và 6 tuyến tại Hà Nội. Vốn ODA và sự quản lý kém hiệu là hai nguyên nhân hàng đầu gây ra sự chậm trễ trong xây dựng và vận hành các tuyến metro ở cả hai thành phố.
1.2 Đường sắt
Hệ thống đường sắt ở Việt Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc cách đây hơn 140 năm và từng là niềm tự hào của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay đường sắt Việt Nam đang bị tụt hậu. Trong khi nhu cầu giao thông vận tải ngày càng tăng, khối lượng vận tải của ngành đường sắt liên tục sụt giảm. Số liệu thống kê cho thấy, năm 1990, ngành đường sắt phục vụ 10,4 triệu lượt khách, chiếm 3% tổng lượng hành khách toàn ngành giao thông vận tải; đến năm 2019, con số này giảm xuống chỉ còn 4,7 triệu lượt tương đương 0,2%.
Mạng lưới đường sắt hiện nay có tổng chiều dài 3.163 km, trong đó đường ray khổ hẹp (khổ 1m) chiếm 84% tổng chiều dài (2.656 km) – trong khi hầu hết các nước trên thế giới không còn dùng nữa. Đường ray khổ tiêu chuẩn (khổ 1.435m) chiếm tổng số 190 km hay 6%, còn lại 10% số tuyến đường hiện nay là khổ hỗn hợp (khổ tiêu chuẩn và khổ hẹp). Tốc độ trung bình của tàu chở hàng là 50-60 km/h và tàu chở khách là 80-90 km/h, thấp hơn đáng kể so với các nước tiên tiến khác (150-200 km/h). Ngoài ra, đường sắt của Việt Nam vẫn sử dụng nhiên liệu diesel – nền công nghệ thế hệ thứ hai (công nghệ đầu tiên là đầu máy hơi nước). Trong khi đó, các công nghệ thế hệ thứ ba – điện khí hoá và công nghệ thứ tư -điện từ – đã được triển khai ở các quốc gia khác.
Tình trạng chung của hạ tầng của đường sắt chỉ ở mức độ kém đến trung bình, hầu hết tuyến đường cần được cải tạo và nâng cấp. Ngành đường sắt Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đầu tư kinh niên, chỉ 3% tổng ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng được phân bổ cho đường sắt so với con số 90% đầu tư cho đường bộ.
Trong kế hoạch tái cấu trúc ngành đường sắt, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 9 tuyến đường sắt mới, dài 2.362 km trong giai đoạn 2021- 2030. Tuyến đường dài nhất sẽ chạy từ Hà Nội đến TP.HCM với 1.545 km.
1.3 Đường thuỷ
Việt Nam có khoảng 47.130 km đường thủy – đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển cả người và hàng hoá. Các phụ lưu của sông Mekong và sông Hồng tạo ra các mạng lưới đường thủy quan trọng nhất. Đường thủy nội địa vận chuyển khoảng 4,7% lượng hành khách và 17,8% lượng hàng hóa, đây là phương thức vận tải phổ biến thứ hai chỉ sau đường bộ. Tuy nhiên, đường thủy nội địa chỉ nhận được 1% tổng vốn đầu tư vào ngành giao thông. Theo kế hoạch 43-65 tỷ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng giao thông 2021-2030 của chính phủ, đường thủy nội địa sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn.
1.4 Cảng biển
Việt Nam có tổng số 320 cảng, bao gồm cảng biển và cảng sông, trong đó có 163 cảng quốc tế. Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM là ba cảng lớn của Việt Nam, lần lượt nằm ở miền Bắc, Trung và Nam. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ hạng cao – thứ 19/141 quốc gia – về kết nối vận tải biển; tuy nhiên hiệu quả của các dịch vụ cảng biển đứng thứ 83/141.
Hạ tầng cảng đang là thỏi nam châm thu hút vốn FDI của Việt Nam, đặc biệt là đầu tư từ các hãng tàu lớn và các công ty liên doanh cảng. Tuy nhiên, công suất hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cao từ hoạt động xuất nhập khẩu. Theo kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt mục tiêu đầu tư và huy động vốn đầu tư của tư nhân để mở rộng hệ thống cảng biển của đất nước lên gần 13,8 tỷ đô la Mỹ và nâng công suất hệ thống để xử lý 1,1-1,4 tỷ tấn hàng hóa.
1.5 Sân bay
Việt Nam khai thác 33 sân bay dân dụng, trong đó có 11 sân bay quốc tế và 12 sân bay nội địa. Sân bay Quốc tế Nội Bài ở Hà Nội và Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh là hai sân bay chính cho các điểm đến quốc tế. 12 sân bay nội địa phục vụ tất cả các vùng và hầu hết các tỉnh ở Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng thêm 5 sân bay nữa tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Trị, Bình Thuận và Đồng Nai.
2. Truyền thông
2.1 Internet Access
Tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam đang ở mức 73,2% tổng dân số năm 2022, với 72,1 triệu người dùng Internet, trong đó 95,8% truy cập Internet qua điện thoại di động. Ngoài ra, đã có 156 triệu kết nối di động tới Internet vào năm 2022. Tốc độ tải xuống trung bình qua kết nối di động là 38,23 Mbps, xếp hạng 47/140 quốc gia, trong khi đó tốc độ kết nối internet băng rộng cố định là 76,16 Mbps., xếp hạng 45/182 quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng truy cập internet chưa đồng đều, ở các hộ nghèo ở miền núi tín hiệu 3G / 4G còn hạn chế khiến việc truy cập dịch vụ internet không được thông suốt.
Ba nhà cung cấp hàng đầu về internet băng rộng cố định tại Việt Nam gồm VNPT, Viettel và FPT, chiếm 92% thị phần. Đối với dịch vụ internet di động, Viettel, Mobifone và Vinaphone là ba công ty dẫn đầu, cung cấp dịch vụ cho 98,1% thị trường. Việt Nam là một trong những quốc gia có giá cước Internet rẻ nhất đối với cả internet cố định và di động. Chi phí gói cước trung bình hàng tháng cho Internet băng thông rộng ở Việt Nam là 10,81 USD, xếp thứ 13/220 quốc gia. Giá cước trung bình của 1GB dữ liệu di động ở Việt Nam là 0,61 USD, xếp thứ 37/223 quốc gia.
2.2 Điện thoại cố định và điện thoại di động
Số lượng thuê bao điện thoại cố định tiếp tục giảm ở Việt Nam đi kèm với sự tăng trưởng của thuê bao di động. Năm 2021, Việt Nam ghi nhận có 71 triệu thuê bao di động và gần 19 triệu thuê bao băng cố định. Tập đoàn Viettel, MobiFone, FPT và VNPT là những người khổng lồ hiện nay trong ngành viễn thông của Việt Nam.
2.3 Truyền thông đại chúng và xã hội
Các loại hình thông tin đại chúng chủ yếu ở Việt Nam là báo, đài, truyền hình và các trang trực tuyến. Trên thực tế, hầu hết các tổ chức và dịch vụ này nằm dưới sự kiểm soát hoặc quản lý của chính phủ, bao gồm đài truyền hình quốc gia – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và đài phát thanh quốc gia – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam với 76,95 triệu người dùng. Facebook, Zalo (ứng dụng địa), Tiktok và Instagram là những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất của Việt Nam để truyền tải tin tức và thông tin. Việt Nam đang cung cấp 70,4 triệu người dùng cho Facebook và 63,5 triệu người dùng cho Youtube, cho thấy một thị trường kỹ thuật số vô cùng tiềm năng.
3. Tiện ích
3.1 Điện
Kể từ năm 2020, 100% dân số Việt Nam được sử dụng điện, ở cả nông thôn và thành thị Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), một doanh nghiệp nhà nước, là nhà cung cấp điện chính. EVN quản lý và vận hành mạng lưới điện quốc gia trên khắp cả nước.
3.2 Nước và vệ sinh
Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc tăng độ bao phủ cấp nước sạch và vệ sinh. Tỷ lệ người dân trên cả nước tiếp cận các nguồn nước đã được cải thiện tăng từ 65% năm 2017 lên 95% năm 2020, trong khi tỷ lệ tiếp cận nhà vệ sinh cơ bản tăng từ 52% lên 84% trong cùng kỳ. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo vẫn còn phổ biến.
Việt Nam đang phải tiếp tục đối mặt với tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ về nước sạch và vệ sinh. Độ bao phủ dịch vụ nước sạch đang giảm dần ở các cộng đồng miền núi và vùng sâu vùng xa. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2019-2020 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến cho 439.000 người rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt vẫn còn là những thách thức đối với phụ nữ và trẻ em ở một số cộng đồng nông thôn. Ước tính khoảng 10,7 triệu người ở Việt Nam vẫn còn phóng uế bừa bãi.
4. Dự báo đầu tư
Với dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh và quyết tâm của chính phủ trong việc triển khai Công nghiệp 4.0, cơ sở hạ tầng hiện tại của đất nước không thể theo kịp những nhu cầu và chiến lược đó.
Báo cáo Triển vọng Cơ sở hạ tầng Toàn cầu G20 dự báo, trung bình mỗi năm Việt Nam cần 25-30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ngân sách quốc gia chỉ có thể trang trải 60% số đó, và chính phủ phải huy động phần còn lại từ các nhà đầu tư tư nhân. Tổng cộng, Việt Nam sẽ cần 605 tỷ đô la Mỹ từ nay đến năm 2040 cho tất cả các dự án cơ sở hạ tầng trên tất cả các lĩnh vực. Phân tích trên xu hướng hiện tại, các khoản đầu tư trong giai đoạn này sẽ đạt 503 tỷ USD – thiếu hụt khoảng 102 tỷ USD so với nhu cầu.
Dự báo đầu tư CSHT của Việt Nam, 2020-2040
Dự báo đầu tư CSHT theo ngành, 2020-2040
Theo vietnam.opendevelopmentmekong.net