Triển vọng ngành thép có thể sáng hơn trong năm 2023 nhờ động lực từ thị trường Trung Quốc, nguồn cung Bất động sản và đầu tư công trong nước.
Giá thép trong nước đã trải qua một năm 2022 biến động khó lường do các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi khách quan từ thị trường.
Với những diễn biến trong nhiều tháng qua, nhiều chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp ngành thép đang trải qua giai đoạn khó khăn khi mà giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng giá bán trong nước lại liên tục giảm và giá thế giới cũng giảm mạnh. Cùng với đó, nhu cầu từ thị trường suy yếu khiến tiêu thụ của các doanh nghiệp chậm, lượng thép tồn kho tăng.
Sang năm 2023, giá thép được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản trong nước hồi phục và đầu tư công cũng là động lực lớn giúp cải thiện nhu cầu thép trong thời gian tới.
Vẫn còn khó khăn trong ngắn hạn
Thời gian qua, nhu cầu giảm ở trong nước đã kéo giá thép giảm nhanh từ tháng 5.2022 và đã giảm liên tiếp 15 lần với mức giá từ gần 20 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn khoảng 14 triệu đồng/tấn trong vòng 3 tháng.
Giá bán giảm mạnh nhưng tiêu thụ lại không khả quan khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, tiêu thụ thép các loại chỉ đạt gần 2 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
Sau 10 tháng đầu năm 2022, bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thép xuất khẩu đạt gần 7 triệu tấn, với trị giá 6,95 tỉ USD, giảm 36,9% về lượng và giảm 28,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Như vậy, sau năm 2021 nhiều thuận lợi, từ quý 2.2022 ngành thép bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống khi mà kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ trong quý 2 và quý 3.
Tình trạng này đã kéo dài sang cả quý 4.2022 và theo dự báo của VSA, khó khăn của ngành thép có thể sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm 2023 do cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất. Ngoài ra, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỉ giá leo thang có thể ảnh hưởng tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Thị trường thép năm 2023 sẽ nóng trở lại?
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2,3% vào năm 2022 trước khi phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023. Tại thị trường trong nước, giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023 nhờ 3 động lực chính sau:
1. Giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect cho biết vẫn còn một số tín hiệu có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện.
Cụ thể, sau một năm biến động rất mạnh ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraina, giá than luyện cốc, quặng sắt và thép phế đã quay đầu giảm mạnh và dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Theo đó, giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-2024 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại. Ngoài ra, giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức trung bình 110 USD/tấn trong năm 2022 xuống lần lượt 90-70 USD/tấn trong năm 2023-2024.
2. Nhu cầu tại thị trường bất động sản của Trung Quốc phục hồi
Bên cạnh điểm sáng đầu tư công, giá thép trong năm 2023 có thể hồi phục tốt hơn nhờ động lực từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.
Theo đó, giá thép có thể ổn định nhờ diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc. Hiện giá thép trung bình tại quốc gia này gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10.2022.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và cuối cùng là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.
Mặc khác, sự thiếu hụt năng lượng tại châu Âu có thể khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng, bao gồm sản xuất thép. Điều này có thể tạo ra những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam vào khu vực này trong năm tới.
3. Đầu tư công
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, đầu tư công sẽ là “đòn bẩy” cho các doanh nghiệp thép, bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở.
Hiện nay, nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, Chính phủ đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Dự kiến sẽ có 793.000 tỉ đồng dành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2023, tăng 34% so với kế hoạch đầu tư công năm 2022.
VNDirect dự báo giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới và giá vật liệu xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Để giúp thị trường thép phục hồi, VSA cho rằng bên cạnh việc Chính phủ tăng tốc giải ngân đầu tư công cũng như triển khai các biện pháp bình ổn giá vật liệu, hàng hóa dịp cuối năm, cần phải có chính sách hỗ trợ để trợ lực cho doanh nghiệp thép nội địa giữ vững thị phần và có động lực để phát triển.
Ngoài ra, các dự án hạ tầng mới vẫn chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị làm thủ tục và phải tới cuối năm 2022 mới bắt đầu giải ngân. Nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.
Theo CafeLand